Để Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trở thành ‘phao cứu sinh’

author 08:27 13/05/2022

(VietQ.vn) - Để Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế thật sự là “phao cứu sinh” phục hồi và vực dậy nền kinh tế, đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bên, từ Nhà nước đến người dân và doanh nghiệp. Trong đó, bản thân mỗi doanh nghiệp trước hết phải tự thay đổi để thích ứng với bối cảnh mới.

Trong 4 tháng vừa qua, kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi và có nhiều dấu hiệu lạc quan ở một số ngành, lĩnh vực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp. Cụ thể, tăng trưởng GDP quý I/2022 ước đạt 5,03% so cùng kỳ; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng đầu năm tăng 2,1%; các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm, thu ngân sách nhà nước đạt kết quả khả quan.

Cùng với đó, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng lên 73 điểm phần trăm, tăng 12 điểm phần trăm so quý IV/2021, là mức cao nhất kể từ sau đợt dịch bùng phát lần thứ tư. Số doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đạt mức cao nhất so cùng kỳ từ trước đến nay. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 5,92 tỷ USD, là giá trị cao nhất so cùng kỳ các năm 2018-2022, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi và có nhiều dấu hiệu khởi sắc ở một số ngành, lĩnh vực. Ảnh minh họa.

Có thể điểm lại một số dự báo lạc quan từ các tổ chức quốc tế, như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023; Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt 5,3% năm 2022, sau đó ổn định trở lại quanh mức 6,5%; Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 xuống mức 3,6%, nhưng tin rằng GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023...

Mặc dù kinh tế có sự khởi sắc, tuy nhiên chúng ta cần nhìn nhận một thực tế là khó khăn, thách thức vẫn đang ngày càng lớn khi đại dịch Covid-19 chưa kết thúc trong bối cảnh bức tranh kinh tế - chính trị quốc tế đang có những biến động rất lớn. Các gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp, người dân cần được thực thi mạnh mẽ, thực chất hơn nữa.

Nói về việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có quy mô gần 350 nghìn tỷ đồng trong bối cảnh mới, TS Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng nhất thiết phải đáp ứng được ba yêu cầu chính. Trước hết, phải khẩn trương, kịp thời hiện thực hóa các hỗ trợ đến tay người dân và doanh nghiệp. Yêu cầu quan trọng khác giúp Chương trình đạt mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng là về tính hiệu quả, khả năng hấp thụ, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực. Cuối cùng, tính công khai, minh bạch vừa là giải pháp vừa là yêu cầu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và hoàn thành mục tiêu Chương trình.

Cũng theo ông Phan Đức Hiếu, để Chương trình thật sự là “phao cứu sinh” phục hồi và vực dậy nền kinh tế, đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bên, từ Nhà nước đến người dân và doanh nghiệp. Bản thân mỗi doanh nghiệp phải tự thay đổi để thích ứng với bối cảnh mới. Theo đó cần năng động, chủ động, đổi mới sáng tạo, quản trị tốt hơn trước xu hướng kinh doanh mới, thói quen tiêu dùng mới và công nghệ mới, nhằm hướng đến phát triển bền vững.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang