Cần chính sách thuế ổn định, có thể dự đoán trước để phục hồi và phát triển kinh tế

author 16:06 06/05/2022

(VietQ.vn) - Mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng hoạt động của phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa thể phục hồi do chi phí đầu vào tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng và thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất. Do vậy, doanh nghiệp cần chính sách thuế ổn định, có thể dự đoán trước để phục hồi và phát triển kinh tế.

Những đề xuất làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp trong vài ba năm tới, như đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với một số mặt hàng, trong đó có đồ uống có cồn, cần cân nhắc kỹ lưỡng. Đây là nhận định chung của các đại biểu tại Hội thảo “Ngành đồ uống Việt Nam phục hồi và phát triển trong điều kiện bình thường mới” do Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức tại Hà Nội.

 Hội thảo “Ngành đồ uống Việt Nam phục hồi và phát triển trong điều kiện bình thường mới”. 

Chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam Nguyễn Văn Việt, sản xuất kinh doanh đồ uống là ngành kinh tế - kỹ thuật đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội; đóng góp vào ngân sách Nhà nước khoảng 60 ngàn tỷ đồng/năm; giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động trực tiếp và gián tiếp.

Thực tế tiêu dùng rượu bia hợp lý là nhu cầu chính đáng, là nét văn hóa, đặc biệt trong điều kiện mức sống của người dân ngày càng được nâng cao. Hơn nữa, đồ uống là sản phẩm gắn liền với du lịch, ngành quan trọng trong chiến lược phát triển. Thưởng thức đồ uống kết hợp với ẩm thực phong phú cũng là nhu cầu của khách du lịch nước ngoài khi tới Việt Nam.

Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 cùng với sự ảnh hưởng của Nghị định 100 đã gây ra tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành đồ uống. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề, thị trường tiêu thụ giảm 20%-30%, doanh thu toàn ngành đồ uống giảm tới 16% so với năm 2019.

Thêm vào đó, gần đây, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã và đang gây khủng hoảng trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã làm trầm trọng hơn nữa khó khăn của ngành đồ uống khiến giá nhiên liệu tăng mạnh, giá nguyên liệu tăng phi mã điển hình như nguyên liệu chính để sản xuất bia là đại mạch đã tăng tới 40-50%, các nguyên liệu khác như hoa Houblon, vỏ lon, vỏ hộp, phụ liệu hóa chất… tăng trung bình từ 15% đến 35% và đà tăng chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.

Sự gián đoạn trong quá trình kinh doanh không chỉ xảy ra với ngành đồ uống mà lan rộng nặng nề đến các đối tác thương mại trong lĩnh vực nhà hàng, du lịch và khách sạn. Theo báo cáo của VCCI, ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống là một trong những ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng với doanh thu năm 2021 giảm 13% so với năm 2020. Mặc dù hiện nay nền kinh tế đang trở lại với trạng thái 'bình thường mới', nhưng các nhà hàng vẫn phải đang đối mặt với áp lực cực lớn, đặc biệt là từ chi phí hàng hóa tăng cao khi mọi thứ từ nhiên liệu đến dầu ăn đều tăng với mức độ chóng mặt. 

Tăng cường kiểm soát thị trường phi chính thức

Theo Hiệp hội VBA, hiện nay, trên thị trường có khoảng trên 70% rượu do dân tự nấu, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, những doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, đặc biệt là gây thất thu ngân sách Nhà nước. Thống kê cho thấy, nguyên nhân của các vụ ngộ độc dẫn đến tử vong hoặc ảnh hưởng khả năng lao động là do sử dụng các sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có chứa cồn công nghiệp methanol…

Theo một báo cáo Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố năm 2020, tổn thất về thuế đối với riêng rượu thủ công gây ra vào khoảng 751,582 triệu USD, chiếm 29% tổng tổn thất về thuế từ khu vực phi chính thức (rượu thủ công, rượu nhập lậu, rượu giả...).

 
Phương pháp tính thuế TTĐB hiện nay chưa đảm bảo sự công bằng giữa đồ uống có cồn chất lượng cao và đồ uống có cồn chất lượng thấp, do không quan tâm đến chất lượng của sản phẩm và độ cồn đối với sản phẩm. Chưa đảm bảo sự công bằng rượu bia có chất lượng cao và chất lượng thấp.
 

Chuyên gia kinh tế - TS Ngô Trí Long phân tích, hiện nay, thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn chỉ thu được ở khu vực chính thức, thất thu ở khu vực phi chính thức. Thực tế, chính sách thuế đối với rượu thủ công nhìn chung không có khác biệt so với chính sách thuế chung của rượu bia.

Theo kết quả nghiên cứu, rượu bia không chính thức chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 70%, lượng sản xuất tiêu thụ này chưa kiểm soát, quản lý được nên chất lượng không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe; dẫn đến thất thu thuế; gây ra sự cạnh tranh không công bằng.

Từ thực tế trên, TS Ngô Trí Long cho rằng, việc tăng thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn chính thức vô hình chung khuyến khích sản xuất - tiêu thụ rượu phi chính tăng mạnh, buôn lậu gia tăng. "Do vậy, cần tìm giải pháp kiểm soát thị trường phi chính thức, thay vì tập trung vào việc tăng thuế TTĐB, gây khó khăn cho các hoạt động kinh doanh hợp pháp" - TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Kinh nghiệm quốc tế về cách tính thuế TTDB

Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện tính thuế TTĐB trên giá xuất xưởng. Tuy nhiên, cách tính thuế này lại khiến chi phí gánh nặng xã hội tăng cao khi chỉ khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm giá rẻ mà quên đi yếu tố về nồng độ cồn- yếu tố gây hại thật sự.

Bà Holly Bostock- Giám đốc ngoại vụ Heineken Việt Nam cho biết, hiện nay, các nước trên thế giới áp dụng cơ chế tính thuế gắn liền với nồng độ cồn. Đây là cơ chế công bằng hơn, minh bạch hơn, dễ dàng dự đoán và giúp ngân sách nhà nước tăng trưởng bền vững và hiệu quả hơn so với cơ chế tính thuế theo giá trị, vừa tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, vừa điều chỉnh hành vi lạm dụng rượu, bia. Cơ chế này đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận là chính sách thuế bền vững và hiệu quả từ góc nhìn bảo vệ sức khỏe cộng đồng khi gắn liền thuế suất với nồng độ cồn, nồng độ càng cao thì nguồn thuế thu được càng lớn.

Cơ chế thuế theo nồng độ cồn đã được nhiều nền kinh tế phát triển áp dụng như Liên minh Châu Âu (EU) và Singapore, chứng minh được sự ổn định và hiệu quả qua thời gian.

 
Các quốc gia thực hiện việc chuyển đổi từ cơ chế tính thuế theo giá trị sang nồng độ cồn đều đã giảm được tình trạng tiêu dùng rượu, bia bất hợp pháp và tạo tăng trưởng bền vững cho ngân sách nhà nước.
 

Điển hình là Sri Lanka, ban đầu, Chính phủ Sri Lanka tăng thuế TTĐB theo giá trị đối với bia (tăng 70%) nhiều hơn đối với rượu mạnh (tăng 25%). Theo đó, bia trở thành loại đồ uống có cồn đắt tiền nhất, đã đẩy người tiêu dùng sử dụng đồ uống có cồn mạnh hơn và có nguồn gốc bất hợp pháp.

Do đó, năm 2017, Chính phủ Sri Lanka đã chuyển sang cơ chế tính thuế TTĐB tuyệt đối trên nồng độ cồn. Từ đó, nhanh chóng hồi phục môi trường kinh doanh cho ngành bia và tăng trưởng ngân sách của nhà nước, đồng thời người dân giảm đáng kể tiêu dùng bia rượu bất hợp pháp.

Từ kinh nghiệm quốc tế, bà Holly Bostock kiến nghị Chính phủ và Quốc hội tạm hoãn việc sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng tăng thuế suất đối với rượu, bia ít nhất trong 2 năm tới mà thay vào đó cần có đánh giá tác động sự ảnh hưởng từ yếu tố chính sách tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, các biện pháp hạn chế tiêu thụ rượu, bia và tác động từ dịch bệnh Covid-19 tới tình hình sản xuất kinh doanh của ngành đồ uống có cồn trong ngắn hạn và dài hạn.

Ổn định chính sách thuế để phục hồi phát triển kinh tế

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 4 tháng đầu năm 2022, kinh tế nước ta tiếp tục khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó nổi bật là lĩnh vực xuất nhập khẩu. Đây là một tín hiệu đáng mừng, tạo động lực cho sự phục hồi kinh tế trong năm nay và những năm tới.

Tuy nhiên, bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VBA bày tỏ quan ngại khi hiện nay có kiến nghị đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với một số sản phẩm như đồ uống có cồn, thuốc lá… để tăng thu ngân sách và giảm các hệ lụy về mặt xã hội.

Theo bà Chu Thị Vân Anh, những đề xuất làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp trong vài ba năm tới như đề xuất tăng thuế TTĐB đối với một số mặt hàng trong đó có đồ uống có cồn cần cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện tác động kinh tế-xã hội, xem xét tính phù hợp, công bằng và hiệu quả cũng như lưu tâm tất cả hệ lụy ngoài mong muốn, các đối tượng dễ bị tổn thương như (công ăn việc làm, công nhân, nông dân) trước khi đưa ra quyết định, ngoài ra, thời điểm thực hiện cũng vô cùng quan trọng để doanh nghiệp có thời gian phục hồi sau đại dịch.

Do vậy, để nuôi dưỡng nguồn thu, bà Chu Thị Vân Anh đề nghị cần giữ ổn định mức thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Việc tăng thuế TTĐB đối với rượu bia chỉ nên xem xét từ năm 2025, phù hợp với Chương trình hành động của Chính phủ tại Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 về Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.

Doanh nghiệp cần chính sách thuế ổn định, có thể dự đoán trước để phát triển. Trước khi đề xuất các chính sách mới, đặc biệt là chính sách thuế làm tăng gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, cần có đánh giá toàn diện trong việc đáp ứng các mục tiêu đề ra, tác động của chính sách hiện hành… để làm cơ sở cho những đề xuất mới.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang