Đề cương về văn hóa Việt Nam: Kiến tạo xây dựng nền văn hóa cách mạng và hiện đại

author 14:29 28/02/2023

(VietQ.vn) - Đề cương về văn hóa Việt Nam tiếp tục rọi sáng công cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn hiện nay. Đề cương được xem như cương lĩnh văn hóa soi đường, dẫn lối, thúc đẩy mặt trận văn hóa trong sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc và xây dựng nền văn hóa mới sau ngày giành độc lập, thống nhất.

Đề cương về văn hóa Việt Nam: Kiến tạo xây dựng nền văn hóa cách mạng và hiện đại

 PGS. TS Đoàn Minh Huấn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/Nam Nguyễn

Phân tích và làm rõ hơn những giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hoá Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn hoá, văn nghệ, tại Hội thảo 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023): Khơi nguồn và động lực phát triển tổ chức sáng 28/2, tại Hà Nội, PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nêu rõ, ra đời trong bối cảnh cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc nước ta chuyển biến nhanh chóng, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 không chỉ mang ý nghĩa kiến tạo xây dựng nền văn hóa cách mạng, mà còn hiện thân cho tinh thần đấu tranh chống lại chính sách văn hóa thực dân, phát xít, chống lại các tư tưởng phản động hoặc những luận thuyết, trào lưu văn nghệ không có lợi cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc lúc bấy giờ.

Đề cương ra đời vào năm 1943 - khi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đang chuyển sang giai đoạn chuẩn bị trực tiếp cho đấu tranh giành chính quyền. Đề cương đã bóc trần bản chất phản động trong chính sách văn hóa của thực dân Pháp và phát xít Nhật, nguy cơ hủy hoại nền văn hóa dân tộc, đầu độc nhân dân, ru ngủ trí thức, văn nghệ sĩ, mưu toan làm cho họ quên đi trách nhiệm xã hội của người cầm bút trong sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc. Đề cương minh định nguyên tắc "dân tộc hóa", "đại chúng hóa", "khoa học hóa" trong cuộc đấu tranh tư tưởng - lý luận văn hóa.

Rọi sáng công cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Theo PGS. TS Đoàn Minh Huấn, Đề cương khẳng định Đảng phải nắm lấy, giữ vững vai trò lãnh đạo trên mặt trận văn hóa, nghệ thuật; sử dụng đa dạng, linh hoạt phương thức đấu tranh trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.

PGS.TS Đoàn Minh Huấn cho rằng, Đề cương tiếp tục rọi sáng công cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn hiện nay. Đề cương được xem như cương lĩnh văn hóa soi đường, dẫn lối, thúc đẩy mặt trận văn hóa trong sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc và xây dựng nền văn hóa mới sau ngày giành độc lập, thống nhất. Nhìn từ cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay, Đề cương vẫn thổi hơi nóng mang tính thời sự.

Theo PGS. TS Đoàn Minh Huấn, giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương cho thấy, nhiệm vụ đấu tranh tư tưởng - lý luận văn hóa, văn nghệ luôn đặt ra ở mọi thời kỳ, nhưng tùy từng bối cảnh và mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng cụ thể mà lựa chọn nội dung đấu tranh phù hợp. Chủ nghĩa đế quốc văn hóa vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức đa dạng, tinh vi, được truyền bá qua các học thuyết chính trị - an ninh, qua sức mạnh mềm, qua xuất - nhập khẩu văn hóa phẩm, qua các nền tảng số xuyên biên giới...

Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị không từ thủ đoạn nào mưu toan phủ nhận thành tựu của nền văn nghệ cách mạng, xuyên tạc đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, cổ xúy cho cái gọi là "văn nghệ độc lập với chính trị", ra sức kích động, lôi kéo trí thức, văn nghệ sĩ qua không gian mạng. Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị "Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới" ban hành kịp thời đã có tác dụng định hướng tư tưởng - lý luận, tập hợp lực lượng, tổ chức các phương thức đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói chung và tư tưởng văn hóa, văn nghệ nói riêng.

Chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, văn nghệ rất phức tạp; có hoạt động công khai chống phá trắng trợn; có hoạt động xuyên tạc, chống phá tinh vi núp bóng các hình tượng văn học, nghệ thuật; có hoạt động chống phá từ bên trong, hoặc từ bên ngoài; có hoạt động cấu kết, phối hợp trong - ngoài... Không ít người cầm bút lừng chừng, ngả nghiêng, dao động; có người đã từng tham gia cách mạng chuyển sang "trở cờ", "sám hối", phủ nhận cả những "đứa con tinh thần" của mình trước đây.

PGS.TS Đoàn Minh Huấn nhấn mạnh, từ tinh thần của Đề cương cho thấy, muốn đấu tranh có hiệu quả thì phải nhận diện đúng các biểu hiện chống phá, cơ hội, suy thoái tư tưởng chính trị hoặc hành vi có nguy hại đến tư tưởng, văn hóa, trên cơ sở đó mới xác định đúng phương pháp đấu tranh từng đối tượng.

"Tinh thần của Đề cương dạy chúng ta không vơ đũa cả nắm, phân biệt rõ tư tưởng văn hóa phản động với những tư tưởng ảnh hưởng đến hoạt động sáng tác của văn nghệ sĩ mà không có lợi cho nhiệm vụ cách mạng trong những giai đoạn cụ thể; bọn bồi bút, bám gót ngoại bang và những người lừng chừng, hoài nghi, dao động, ngả nghiêng; những người thể hiện "trách nhiệm xã hội" của trí thức bằng phản biện với những kẻ mượn danh "phản biện" để chống phá...", PGS.TS Đoàn Minh Huấn khẳng định.

Theo PGS.TS Đoàn Minh Huấn, nhiệm vụ của cuộc đấu tranh trên địa hạt tư tưởng - lý luận văn hóa, văn nghệ là đập tan mọi chính sách, thủ đoạn thực dân về văn hóa, cô lập bọn phản động, phần tử cơ hội nhưng giáo dục, cảm hóa, lôi kéo những người lừng chừng đứng về phía đất nước, nhân dân, vì chân lý, lẽ phải.

"Nhờ chỉ dẫn của Đề cương mà Đảng đã giáo dục, lôi cuốn không ít nhà văn hóa, văn nghệ sĩ trước đó ẩn dật, nương náu trong "tháp ngà nghệ thuật" từng bước thay đổi lập trường, tham gia sự nghiệp cứu nước, thể hiện trách nhiệm xã hội của người cầm bút, có nhiều đóng góp quan trọng cho dân tộc và nhân dân. Văn hóa, con người Việt Nam- Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới", PGS. TS Đoàn Minh Huấn nhấn mạnh.

Đề cương về văn hóa Việt Nam: Kiến tạo xây dựng nền văn hóa cách mạng và hiện đại

 Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/Nam Nguyễn

Nỗ lực đưa văn hóa phát triển trên đa nền tảng đến được với mọi tầng lớp nhân dân

Với tham luận "Vai trò và xu hướng chuyển đổi số trong phát triển văn hóa- con người Việt Nam" trong chủ đề Văn hóa, con người Việt Nam- Nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thực hiện theo chủ trương, quan điểm của Đề cương về văn hóa Việt Nam, văn hóa dân tộc đang có bước phát triển mạnh mẽ, nhất là trong thời kỳ chuyển đổi số. Với tinh thần đại chúng hoá, Việt Nam đang nỗ lực đưa văn hóa phát triển trên đa nền tảng, đến được với mọi tầng lớp nhân dân.

"Chưa bao giờ chúng ta có cơ hội đại chúng hóa văn hoá; thu hẹp khoảng cách tiếp cận, hưởng thụ văn hóa như hiện nay", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, một trong những xu hướng tiếp cận văn hóa phổ biến hiện nay là hỏi – đáp. Tức là cần thông tin gì sẽ đặt câu hỏi. Vì lẽ đó, chúng ta cần xây dựng được công cụ trợ lý ảo, chẳng hạn như ChatGPT chuyên về văn hóa Việt Nam. Từ đó, mọi công dân Việt Nam, thậm chí là bạn bè quốc tế có cơ hội được vào đối thoại, học hỏi, mở mang hiểu biết mọi lúc, mọi nơi. Đây là cách thức truyền bá văn hóa Việt Nam nhanh, hiệu quả.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh văn hóa muốn phát triển thì cần một ngành công nghiệp, thị trường văn hóa đủ mạnh. Công nghiệp văn hóa Việt Nam sẽ phát triển hơn khi có càng nhiều người tham gia sáng tạo văn hoá. Điều này là khả thi khi Việt Nam đang cung cấp nhiều công cụ sáng tạo số để người dân tham gia, có cơ hội sáng tạo văn hoá.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, ngoài các nền tảng sẵn có, Việt Nam có thể nghiên cứu, cho ra đời thêm một sàn thương mại điện tử chuyên cung cấp các sản phẩm văn hoá; giúp phát triển các ngành công nghiệp, thị trường văn hoá. Những yếu tố này đều góp phần thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc (2021) rằng xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế, xã hội và không gian số sẽ giúp văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4".

 Theo Báo Chính phủ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang