Đề nghị các địa phương có biển thành lập kiểm ngư địa phương

author 19:44 25/08/2022

(VietQ.vn) - Việc thành lập tổ chức Kiểm ngư địa phương trên cơ sở yêu cầu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nguồn lực của địa phương nhằm triển khai Luật Thủy sản 2017, thực thi hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ pháp luật thủy sản và sớm gỡ “cảnh báo” thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có Công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển đề nghị thành lập Kiểm ngư địa phương theo quy định tại Luật Thủy sản 2017.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, căn cứ Điều 89, Luật Thủy sản 2017 quy định về Tổ chức Kiểm ngư, trong đó: “Kiểm ngư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển được tổ chức trên cơ sở yêu cầu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nguồn lực của địa phương”.

Thành lập Kiểm ngư địa phương để bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nguồn lực của địa phương.

Căn cứ Điều 62, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản: “Kiểm ngư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển là tổ chức hành chính thuộc cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh, do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập”;

Ngày 02/3/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản số 1246/BNN-TCTS gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển, căn cứ các quy định hiện hành, quyết định thành lập tổ chức Kiểm ngư cấp tỉnh theo thẩm quyền và phù hợp với đặc thù của địa phương.

Tuy nhiên, đến nay mới có 07/28 tỉnh thành lập tổ chức Kiểm ngư, trong đó 06 tỉnh thành lập theo mô hình cấp phòng (Kiểm ngư, Thanh tra và Pháp chế; Thanh tra Kiểm ngư; Kiểm ngư, Thanh tra; Kiểm ngư) thuộc Chi cục Thủy sản, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 01 tỉnh thành lập theo mô hình cấp Chi cục (Chi cục Kiểm ngư) thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Căn cứ tình hình thực tiễn hiện nay, tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (khai thác IUU) còn diễn ra phổ biến, phức tạp trên các vùng biển; nghiêm trọng hơn là việc tàu cá Việt Nam vẫn vi phạm khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài.

Đặc biệt ở vùng biển ven bờ, số lượng tàu cá và cường lực khai thác lớn, nguồn lợi thủy sản suy giảm, nhưng chưa có đủ lực lượng chuyên trách để tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học, chống khai thác IUU; Cảnh báo “thẻ vàng” của EC đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam vẫn chưa được tháo gỡ, nguy cơ “cảnh báo” thẻ đỏ là rất lớn nếu không có giải pháp quyết liệt, đồng bộ hơn.

Để triển khai Luật Thủy sản 2017, thực thi hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ pháp luật thủy sản và sớm gỡ “cảnh báo” thẻ vàng của Ủy ban châu Âu, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần sớm quyết định thành lập tổ chức Kiểm ngư trên cơ sở yêu cầu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nguồn lực của địa phương theo thẩm quyền- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang