Mỹ phát hiện đồ uống có đường- 'thủ phạm' gây ra 2,2 triệu ca tiểu đường mỗi năm

author 21:39 09/01/2025

(VietQ.vn) - Các nhà khoa học của Mỹ vừa phát hiện đáng lo về đồ uống có đường là "thủ phạm" gây ra 2,2 triệu ca tiểu đường mỗi năm.

Các nhà khoa học từ Trường Khoa học và Chính sách Dinh dưỡng Gerald J. và Dorothy R. Friedman thuộc Đại học Tufts (Mỹ) ước tính rằng mỗi năm thế giới có thêm 2,2 triệu ca tiểu đường type 2 và 1,2 triệu ca bệnh tim mạch do một "sát thủ thầm lặng" trong chế độ ăn uống. 

Tại một trong các quốc gia được khảo sát, 48% số ca tiểu đường type 2 liên quan đến "sát thủ thầm lặng" trong chế độ ăn uống. Đó là đồ uống có đường, góp phần gây ra từ 1/5 đến gần 1/2 số ca tiểu đường type 2 mới tại một số quốc gia được khảo sát.

Theo bài công bố trên tạp chí y học Nature Medicine, nghiên cứu được đưa ra trong bối cảnh tiểu đường type 2 và bệnh tim mạch đang trở thành 2 vấn đề nổi cộm trên toàn thế giới, là nguyên nhân lớn làm rút ngắn tuổi thọ và nảy sinh các trường hợp tàn tật do di chứng.

Nhóm tác giả từ Đại học Tufts đã phân tích chi tiết các nguyên nhân có thể đóng góp vào sự gia tăng đáng ngại của các bệnh này. Đồ uống có đường trở nên nổi bật: Chúng được cơ thể tiêu hóa nhanh chóng, gây ra sự gia tăng đột biến lượng đường trong máu nhưng ít giá trị dinh dưỡng.

Đồ uống có đường gây ra không ít tác hại. Ảnh minh họa

Đáng lo hơn, chúng đang ngày một phổ biến trong chế độ ăn uống của người dân trên thế giới, từ những ly nước mà mọi người dễ dàng mua mang đi cho đến đồ uống đóng chai.

Ở các nước đang phát triển, mối liên hệ chết người này càng đáng lo ngại. Ở khu vực châu Phi cận Sahara, nghiên cứu phát hiện ra rằng đồ uống có đường góp phần gây ra hơn 21% tổng số ca tiểu đường mới. Ở Châu Mỹ Latinh và vùng Caribe, chúng góp phần gây ra gần 24% số ca tiểu đường mới và hơn 11% số ca bệnh tim mạch mới. Colombia, Mexico và Nam Phi là những quốc gia bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề.

Hơn 48% trong số tất cả các ca tiểu đường mới ở Colombia là do tiêu thụ đồ uống có đường; trong khi tỉ lệ này ở Mexico là khoảng 1/3. Ở Nam Phi, 27,6% các ca tiểu đường mới và 14,6% các ca bệnh tim mạch là do tiêu thụ đồ uống có đường.

Theo các tác giả, điều này là do khi đời sống ở một quốc gia được nâng cao nhanh chóng, đồ uống có đường tràn vào chế độ ăn uống vì chúng trở nên dễ tiếp cận hơn, phù hợp với lối sống mới, và tất nhiên là đầy hấp dẫn.

Nghiên cứu cũng cho thấy với lượng đồ uống có đường như nhau, nam giới phải chịu hậu quả sức khỏe nhiều hơn so với nữ giới, người trẻ chịu hậu quả lớn hơn người lớn tuổi.

Liên quan tới tình trạng sử dụng đồ uống có đường tại Việt Nam, bà Đinh Thị Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) nhấn mạnh, tiêu thụ đồ uống có đường của người Việt gần gấp đôi mức có lợi cho sức khoẻ. 

Theo bà Thuỷ, ở Việt Nam, việc tiêu thụ nước giải khát có đường (loại đồ uống có đường phổ biến nhất) đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Theo số liệu của Euromonitor 2023, tổng tiêu thụ đồ uống có đường đã tăng nhanh từ 1,59 tỷ lít năm 2009 lên 6,67 tỷ lít năm 2023 (tăng 420%). Tiêu thụ đầu người cũng tăng nhanh tương ứng, từ mức 18 lít/người năm 2009, lên thành 66 lít/người năm 2023 (tăng 350%).

Theo Cục Y tế Dự phòng, trung bình người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/người/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50g/người/ngày) theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cao gần gấp đôi so với mức có lợi cho sức khỏe là dưới 25g/người/ngày (cho một người trưởng thành có khẩu phần 2000Kcal/ngày).

Một nghiên cứu về thói quen tiêu thụ và cảm nhận về tác động tới sức khoẻ của đồ uống có đường của thanh thiếu niên Việt Nam cho thấy 43% thanh thiếu niên uống đồ uống có đường trên 2 lần/ 1 tuần; 13,5% uống gần như hàng ngày; phỏng vấn thanh niên cho thấy có tới trên 20% bạn trẻ uống 2 lon/chai trở nên mỗi lần sử dụng đồ uống có đường.

Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường là một trong các giải pháp can thiệp quan trọng được WHO khuyến nghị nhằm giảm mức tiêu thụ và các tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn đồ uống lành mạnh hơn do tác động của việc áp thuế làm tăng giá sản phẩm. Từ đó, giúp giảm nguy cơ béo phì và nguy cơ phát triển các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống, đặc biệt bệnh đái tháo đường đang tăng rất nhanh trong thời gian gần đây.

Ngoài ra, hiện nay Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để cung cấp thông tin về thực trạng sử dụng cũng như tác hại của đồ uống có đường và Bộ Tài chính đã đưa đồ uống có đường vào là một mặt hàng đánh thuế trong dự thảo Luật Thuế tiêu thu đặc biệt (sửa đổi). Việc áp thuế đối với đồ uống có đường lần đầu tiên đưa ra trong dự thảo Luật nên hiện đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Theo dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), dự kiến thảo luận tại Kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, lần đầu tiên nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml được đưa vào diện áp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo Bộ Tài chính, đây là mặt hàng mới được đề xuất bổ sung vào diện chịu thuế nên Bộ đề xuất mức 10% để khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu loại có lượng đường thấp, nâng cao nhận thức, điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang