Doanh nghiệp là ‘tế bào’ của nền kinh tế giúp tăng năng suất lao động

author 09:09 13/03/2023

(VietQ.vn) - Khu vực doanh nghiệp được xem là “tế bào” của nền kinh tế giúp tăng năng suất lao động, vì vậy vấn đề của doanh nghiệp chính là làm chủ công nghệ, đồng thời năng lực quản trị của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay cũng cần nâng cấp hơn nữa mới đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Sau hơn 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, từng bước thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình và đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, đến nay nền kinh tế vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và năng suất lao động của nước ta còn khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực.

Để tránh nguy cơ tụt hậu và vượt qua bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần tập trung chuyển sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu - dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, trong đó trọng tâm là cải thiện năng suất lao động để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.

 Công nghệ là vấn đề quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động. Ảnh minh họa.

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Viện trưởng Phụ trách Viện năng suất Việt Nam - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), để thoát được “vùng trũng” năng suất lao động là vấn đề khá bao trùm, bởi cần các chính sách từ cấp độ vĩ mô. Ví dụ như tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển dịch lao động sang khu vực công nghiệp, dịch vụ đòi hỏi phải có những chính sách mới, tổng thể, từ các cấp độ khác nhau.

Khu vực doanh nghiệp được xem là “tế bào” của nền kinh tế giúp tăng năng suất lao động, thì “vùng trũng” của doanh nghiệp chính là vấn đề làm chủ công nghệ, đồng thời năng lực quản trị của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay cần nâng cấp hơn nữa mới đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Năng suất lao động cao thì doanh nghiệp mới có thể thu hút đầu tư và phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh minh họa. 

Một số ý kiến khác cũng cho rằng, năng suất lao động quan trọng đối với cả ba đối tượng là doanh nghiệp, người lao động và Nhà nước. Năng suất lao động cao thì doanh nghiệp mới có thể thu hút đầu tư và phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh; người lao động được cải thiện đời sống; đồng thời, năng suất cao giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và tác động trực tiếp đến GDP.

Tăng năng suất lao động cần đến từ tư duy của lãnh đạo doanh nghiệp, tư duy của lãnh đạo các cấp và của chính người lao động. Chính vì vậy, việc thay đổi môi trường, thể chế là điều quan trọng để tạo ra môi trường cạnh tranh, từ đó tăng năng suất lao động.

Hơn nữa, để giải quyết nút thắt tăng năng suất lao động trong các doanh nghiệp thì Việt Nam cần thay đổi suy nghĩ coi lao động giá rẻ là một lợi thế. Bởi lao động giá rẻ, thì thu nhập của người lao động cũng thấp. Và Việt Nam nên chuyển dần suy nghĩ, không nên coi đây là lợi thế nữa mà nên đi vào các lĩnh vực có giá trị cao hơn thay vì gia công sản phẩm cho các nước như hiện nay.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang