Đổi mới để vượt lên thách thức

author 06:41 07/08/2021

(VietQ.vn) - Dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, ở góc nhìn lạc quan, đây cũng chính là thời điểm được ví như “lửa thử vàng” cho các doanh nghiệp trong việc duy trì, thích ứng, đổi mới để vượt lên thách thức.

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của thời đại. Ảnh minh họa. 

Nhiều thiệt hại nghiêm trọng

Chúng ta không thể phủ nhận “cơn bão” Covid-19 đã, đang và sẽ còn gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam cũng như toàn cầu. Việt Nam là một trong số ít các nước kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhưng nền kinh tế vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp cho biết, dịch bệnh đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của họ. Không tiếp cận được khách hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng, doanh thu giảm mạnh, phải cho nhiều lao động nghỉ việc, đến nay vẫn lao đao.

Cùng với đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã tiến hành khảo sát đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trên 87% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các lĩnh vực như dệt may, truyền thông, bất động sản, sản xuất thiết bị điện, xe có động cơ, giáo dục, lao động, bán lẻ, điện tử, du lịch,... bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Tuy nhiên, “thảm hoạ toàn cầu” mang tên Covid-19 không thể nhấn chìm đi tất cả. Ngược lại, nó như một liều thuốc để đo “sức khoẻ” và sự sáng tạo để các doanh nghiệp khẳng định được vị thế. Nhiều doanh nghiệp vẫn vươn lên trở thành điểm sáng đảm bảo bền vững “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa duy trì tăng trưởng.

Đổi mới để vượt lên thách thức

Cụ thể, vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp trong nước đã chuyển đổi số tương đối thành công, tạo ra các đột phá trong sản xuất, kinh doanh. Thông qua đó, nhiều doanh nghiệp đã vươn lên khẳng định thương hiệu của mình, ký kết được các hợp đồng lớn để bán hàng hóa cho đối tác trong nước, nước ngoài, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu.

Ông Nguyễn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thiết bị và phần mềm iCare, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai cho hay, Công ty của ông được thành lập hơn 1 năm và trùng với thời điểm dịch Covid-19 bùng phát ở khắp thế giới cũng như trong nước. Do tác động của dịch bệnh, nên việc kinh doanh ban đầu liên quan đến thị trường bất động sản gặp khó khăn. Ông Quang đã lựa chọn khởi nghiệp bằng lĩnh vực công nghệ, sáng tạo sẽ có nhiều tiềm năng phát triển trong bối cảnh này. Với nhiều lợi thế về công nghệ sẵn có, ông quyết định cùng các cộng sự đầu tư phát triển sáng chế ra sản phẩm thiết bị và phần mềm theo dõi, bảo vệ sức khỏe iCare.

Mới đây, tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2020, dự án về thiết bị iCare của ông Quang đã đoạt giải nhất và nhận được nhiều đánh giá tích cực từ phía ban giám khảo, các chuyên gia về khởi nghiệp. Hiện dự án của ông Quang cũng đã lọt vào tốp 100 của chương trình truyền hình Thương vụ bạc tỷ để huấn luyện, đào tạo, chuẩn bị cho việc thương thuyết với các nhà đầu tư (shark).

Hay ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Công ty CP Ô tô Trường Hải cho biết, Thaco đã tiến hành chuyển đổi số bắt đầu từ tự động hóa các dây chuyền sản xuất ở các nhà máy, rồi từng bước thay đổi quy trình, công nghệ, quản trị và đạt được những thành công đáng kể. Hiện nay, Thaco vẫn đang trong lộ trình chuyển đổi số ở cả 5 lĩnh vực đầu tư gồm: ô tô, nông nghiệp, xây dựng, logistics và thương mại dịch vụ. Cũng theo ông Tài, doanh nghiệp muốn hàng hóa sản xuất ra bán được cho người tiêu dùng thì sản phẩm phải có chất lượng tốt, giá cạnh tranh, chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu trên của khách hàng.

Có thể khẳng định, để vượt qua thách thức hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến việc đẩy chuyển đổi số hóa rất nhiều và tạo nên làn sóng lan tỏa trên thị trường. Rất nhiều doanh nghiệp ở đa lĩnh vực như bán lẻ, dịch vụ… đã chuyển từ kênh kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử. Trên thực tế, hầu hết những doanh nghiệp được đánh giá là đi tiên phong trong quá trình chuyển đổi số và có lòng tin rằng đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng vượt qua thách thức, đón bắt các cơ hội của thị trường thì đều là những doanh nghiệp đã trụ vững và phục hồi nhanh hơn các doanh nghiệp khác trước khủng hoảng.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, dịch bệnh Covid-19 là cơ hội để doanh nghiệp cấu trúc lại hoạt động theo xu thế của thời đại. Đây cũng là phép thử đối với đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong bối cảnh thị trường trong và ngoài nước có nhiều biến động. “Việc duy trì, trụ vững của doanh nghiệp và có thể phát triển sau đại dịch như thế nào, một mặt phụ thuộc vào môi trường kinh tế, nhưng một mặt phụ thuộc vào chính sự nỗ lực, sáng tạo của các doanh nghiệp” - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng khẳng định, để có thể ứng phó tốt với đại dịch, người đứng đầu phải vững tay chèo thì mới tạo được chỗ dựa cho đội ngũ nhân viên. Vì vậy, cần nhấn mạnh vào 3 vấn đề, đó là nhân sự phù hợp, chiến lược khác biệt, quản trị đặc thù để ứng phó kịp thời với khủng hoảng, không chỉ riêng đại dịch Covid-19.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang