Động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế năm 2022

author 08:54 07/04/2022

(VietQ.vn) - Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I/2022 theo giá hiện hành tăng 8,9% so với cùng kỳ 2021, mức tăng này cho thấy tín hiệu tích cực trong việc huy động và sử dụng vốn đầu tư toàn xã hội cho phát triển kinh tế – xã hội. Đây cũng là động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I/2022 theo giá hiện hành ước đạt 562,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9 % so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước ước đạt 136,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,3% tổng vốn, tăng 9,3%; Vốn khu vực ngoài nhà nước ước đạt 323,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 57,5% tổng vốn, tăng 9,1%; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 102,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,2% tổng vốn, tăng 7,9%.

Tiếp nối đà phục hồi kinh tế từ quý 4 năm 2021 do kiểm soát tốt dịch Covid-19 cũng như thực hiện hiệu quả Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn và linh hoạt trong điều điện bình thường mới, trong quý I/2022, tình hình sản xuất kinh doanh và đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực, hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Đồng thời, Chính phủ đang triển khai các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế-xã hội nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất – kinh doanh, tạo đà cho tăng trưởng huy động và thực hiện vốn đầu tư.

Theo đó, vốn đầu tư thực hiện quý I/2022 của khu vực ngoài Nhà nước so với cùng kỳ đạt 9,1%; vốn đầu tư thực hiện của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ 2021, tăng 7,9%.

Động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế năm 2022

 Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I/2022 theo giá hiện hành tăng 8,9% so với cùng kỳ 2021.

Trong tổng vốn đầu tư của khu vực Nhà nước quý I/2022, vốn trái phiếu Chính phủ ước đạt 1,6 nghìn tỷ đồng, giảm 48,7% so với cùng kỳ năm trước; vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch Nhà nước ước đạt 8,5 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7%; vốn vay từ các nguồn khác (của khu vực Nhà nước) ước đạt 20 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1%; vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước (vốn tự có) ước đạt 13,4 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5%; vốn huy động khác ước đạt 16,7 nghìn tỷ đồng, tăng 17,3%.

Vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước quý I/2022 ước đạt 76,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước và bằng 14,4% kế hoạch năm, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây, thể hiện sự chuyển biến tích cực trong việc đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ các tháng đầu năm 2022.

Ước thanh toán của vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước đến ngày 31/3/2022 đạt 61,5 nghìn tỷ đồng, đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 13,17% kế hoạch). Trong đó, vốn trong nước đạt 61,2 nghìn tỷ đồng, bằng 12,66% kế hoạch; vốn nước ngoài 343,3 tỷ đồng, bằng 0,99% kế hoạch.

Một số Bộ, địa phương giải ngân tốt và cũng là các Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân các tháng năm 2021 đạt mức cao như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thái Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lào Cai, Trà Vinh, Lâm Đồng, Bến Tre, Nam Định. Có 29 Bộ, cơ quan Trung ương chưa giải ngân kế hoạch đầu tư vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2022.

Để đạt kế hoạch thực hiện giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong các năm 2022-2023 của từng bộ, ngành, địa phương.

Thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, cơ quan, địa phương để thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn. Phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao từ đầu năm gắn với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Có chế tài xử lý nghiêm, kịp thời đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang