Đừng để mất thương hiệu chỉ vì “hớ hênh”

author 00:00 25/05/2012

(VietQ.vn) - Liên tiếp trong những năm gần đây, nhiều chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, nhãn hiệu, tên miền… của tổ chức và doanh nghiệp (DN) nước ta bị xâm hại, đăng ký sử dụng ở nước ngoài. Tại sao lại có tình trạng thờ ơ với việc xác lập quyền, bảo hộ tài sản trí tuệ, trong khi những tài sản ấy lại thiết thân, sát sườn với “cơm áo, gạo tiền”, với sự phát triển, thậm chí là nét văn hóa riêng của đất nước?

Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều DN đã có ý thức hơn trong việc xác lập, đăng ký quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT), thế nhưng sự quan tâm và ý thức ấy vẫn chưa đủ, trong khi nền kinh tế nước ta lại hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới. Có những sản phẩm, thương hiệu, nhãn hiệu của DN đã được đăng ký ở trong nước, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa ý thức hoặc còn yếu trong việc đăng ký bảo hộ ở nước ngoài.

Giao diện của trang Legendeecoffee.com trong ngày 18/4/2012 được trình bày với nội dung quảng cáo cho Starbucks Coffee. Ảnh: Nguyễn Nam

Giao diện của trang Legendeecoffee.com trong ngày 18/4/2012 được trình bày với nội dung quảng cáo cho Starbucks Coffee.

Ảnh: Nguyễn Nam

 Cùng chung tay bảo vệ tài sản trí tuệ DN       

Không ít DN cho rằng, họ không vẫn không đủ khả năng để tự mình đăng ký, bảo hộ ở nước ngoài trong khi mỗi quốc gia, khu vực lại quy định mức phí, cách thức đăng ký khác nhau. Để làm được điều đó cần có sự hỗ trợ rất lớn từ cơ quan chức năng, nhà nước, bên cạnh sự nỗ lực của họ.

 

Trong Đối thoại trực tuyến của với nhân dân được tổ chức mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Quân- Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho rằng, vấn đề SHTT hiện nay đang rất nóng, mặc dù những năm gần đây, hoạt động SHTT của Việt Nam đã có những bước phát triển, tiến bộ rõ rệt.

 

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, năm 2005, Luật SHTT được Quốc hội thông qua; vào năm 2009, Luật đã được sửa đổi và bổ sung để hoàn thiện hơn. Đi đôi với việc ban hành Luật, một hệ thống văn bản dưới luật để tổ chức, hỗ trợ DN, tổ chức cá nhân trong xã hội bảo vệ quyền lợi SHTT cũng được ban hành.

 

Tuy nhiên, trước thực trạng hiện nay, khi DN Việt Nam tham gia làm ăn tại thị trường nước ngoài, họ luôn “thua thiệt”, chấp nhận phần bất lợi về phía mình khi xảy ra tranh chấp về thương hiệu ngoài lãnh thổ. Điều đó xuất phát từ nguyên nhân chúng ta là một nước mới thoát khỏi đói nghèo, các DN chưa thực sự quan tâm tới bảo vệ thương hiệu, bảo vệ tài sản trí tuệ của họ. Cho nên, họ còn rất thiếu kinh nghiệm, thiếu nguồn lực để làm được việc đăng ký bảo hộ thương hiệu và tài sản trí tuệ của mình ở nước ngoài như nước mắm Phú Quốc, võng xếp Duy Lợi, thuốc lá Vinataba, cà phê Buôn Ma Thuột…

 

Bộ KH&CN với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ, xác lập quyền, bảo vệ quyền và thực thi quyền SHTT của các tổ chức và cá nhân Việt Nam, đã tiến hành nhiều hoạt động để giành lại thương hiệu này cho DN Việt Nam. Ví dụ như trong vấn đề Chỉ dẫn địa lý- Cà phê Buôn Ma Thuột bị đăng ký ở nước ngoài; Bộ KH&CN đang hợp tác với UBND tỉnh Đắk Lắk làm việc với các đối tác nước ngoài để có được thoả thuận phù hợp, giành lại chỉ dẫn địa lý này. Tương tự như thế với Vinataba, chúng tôi đã làm việc và thành công ở một vài địa bàn lấy lại thương hiệu này về cho Vinataba.

 

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng cho rằng, bên cạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của DN Việt Nam, các cơ quan quản lý phải cùng vào cuộc hỗ trợ cho DN. Chúng tôi đã yêu cầu các bộ phận đại diện KH&CN của Việt Nam ở nước ngoài cùng với các cơ quan đại diện ngoại giao của chúng ta tăng cường hỗ trợ DN Việt Nam, phát hiện giúp địa bàn nào mà hàng hoá Việt Nam có thể đến được, thì các DN sản xuất hàng hoá đó phải sớm đăng ký để bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá của họ ở địa bàn đó để tránh tình trạng bị lợi dụng. Nếu bị xâm hại, các DN phải hợp tác với các cơ quan quản lý bàn bạc các giải pháp hữu hiệu nhất để giành lại thương hiệu.

Đừng để mất thương hiệu chỉ vì “hớ hênh”

Vào hạ tuần tháng 4/2012 vừa qua, tên miền tiếng Anh của café Chồn- sản phẩm của café Trung Nguyên bị cá nhân khác đăng ký và nhúng nội dung quảng bá cho thương hiệu café sắp vào Việt Nam là Starbucks.

Trước đó, Trung Nguyên đã có lịch sử bị mất tên miền thương hiệu ở nhiều quốc gia khác nhau. Không chỉ ở Việt Nam, Công ty Cà phê Trung Nguyên là một thương hiệu mạnh thực sự trên thị trường quốc tế và công ty này đang phát triển café chồn, một loại café từ khi Trung Nguyên chưa hình thành đã được nhiều người biết tới với cái tên như Kopi Luwak, riêng Trung Nguyên phát triển loại cafe chồn mang tên gọi Weasel Coffee- phiên bản đặc biệt của Weasel Coffee chính là Legendee. Thế nhưng, có vẻ như Trung Nguyên không kiểm soát được hết những tên miền thương hiệu liên quan đến sản phẩm của mình, kể cả tên Weasel Coffee do chính Trung Nguyên sáng tạo ra và bây giờ đến lượt Legendee Coffee cũng có nguy cơ bị mất tên miền thương hiệu. Trung Nguyên mua Legendee.com từ tháng 12/2011, nhưng hàng loạt tên miền có thể gây nhầm lẫn thương hiệu liên quan đến Legendee đã bị "bỏ rơi".

Một bài học khác cũng cho thấy, vào đầu tháng 1/2012, Công ty Bkav thông báo mua lại tên miền bkav.com với giá 2 tỷ đồng, một cái giá quá đắt so với việc chi 10 USD (khoảng 200.000 đồng) để mua bkav.com khi chưa có ai đăng kí trước từ năm 2001. Theo một vị lãnh đạo của Bkav, trước đó công ty đã dành một khoản thời gian đàm phán hơn 2 năm trời để mua lại tên miền này và đối tác "không giảm một xu". Không chỉ có Bkav là nạn nhân của sự chậm chân, hàng loạt tập đoàn, công ty tên tuổi của Việt Nam như FPT, Viettel, Vinaphone, Mobifone và Vietcombank đều bị mất tên miền dot com (.com). Và nếu muốn mua lại, cái giá mà đối tác đặt ra không hề nhỏ, đôi khi đạt đến số... không tưởng.

Từ thực tế nêu trên cho thấy, khi những chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, nhãn hiệu đã bị đăng ký ở nước ngoài không phải tới nay mới diễn ra mà đã có cách đây từ vài chục năm. Thế nhưng, số lượng và tính chất các vụ xâm hại, đăng ký đó ngày càng diễn ra nhiều, phức tạp hơn, ảnh hưởng nhiều hơn đến tài sản trí tuệ của Việt Nam. Chúng ta cũng đã có những bài học thiết thực trong việc xử lý các vụ việc như liên quan đến thương hiệu Kẹo dừa Bến Tre, thuốc lá Vinataba, Võng xếp Duy Lợi…Tuy nhiên, cũng có không ít những “trả giá”, thậm chí là giá rất đắt từ những “hớ hênh” trong việc xác lập quyền và bảo vệ tài sản trí tuệ của Việt Nam. Và khi các tổ chức, các nhân vẫn còn thờ ơ với việc xác lập quyền, đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ cho mình, việc xâm phạm, mất thương hiệu, chỉ dẫn địa lý ở nơi này, nơi kia chắc chắn vẫn còn.

Hồng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang