Giải bài toán thiếu hụt lao động có kỹ năng, nâng cao năng suất doanh nghiệp

author 19:10 25/04/2022

(VietQ.vn) - Bên cạnh việc thiếu lao động giản đơn thì hiện nay, các doanh nghiệp chủ yếu thiếu lao động có kỹ năng. Do đó, cần tập trung đào tạo cho người lao động có kỹ năng nghề cung ứng cho doanh nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm, lựa chọn những nghề có nguy cơ thiếu hụt để đào tạo…

Những tháng đầu năm nay, theo thống kê từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, thị trường lao động đã có nhiều tín hiệu khởi sắc, tại các địa phương nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp là gần 1,3 triệu lao động. Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tại một số địa bàn, khu vực, với khoảng 120.000 lao động. Số lượng lao động thiếu hụt này chủ yếu là lao động phổ thông.

Nguyên nhân đa phần là do thời điểm giãn cách xã hội, nhiều lao động về quê sau đó lựa chọn lập nghiệp luôn tại quê không quay trở lại nơi làm việc; giá cả thực phẩm, nhà ở tại nơi làm việc tăng cao; các chính sách thu hút, tuyển dụng lao động của doanh nghiệp hiện chưa hấp dẫn.

Bên cạnh việc thiếu lao động giản đơn thì hiện nay các doanh nghiệp chủ yếu thiếu lao động có kỹ năng. Ảnh minh họa.

Cùng với đó, một số chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh việc thiếu lao động giản đơn thì hiện nay, các doanh nghiệp chủ yếu thiếu lao động có kỹ năng. Vì vậy, cần tập trung đào tạo cho người lao động có kỹ năng nghề cung ứng cho doanh nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm, lựa chọn những nghề có nguy cơ thiếu hụt để đào tạo…

Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Trần Thị Lan Anh khẳng định: "Đến thời điểm này, doanh nghiệp thiếu 10%-20% lao động, chủ yếu là thiếu lao động có kỹ năng, đây mới là bài toán dài hạn. Doanh nghiệp rất muốn giữ chân lao động này bằng cách tăng lương sau tết 5-8%.

Đồng thời có phụ cấp xăng xe, ăn trưa, đặc biệt là cho lao động có thâm niên để lao động có tay nghề, đã được đào tạo nhiều tiếp tục làm việc với doanh nghiệp".

Đề cập mức lương người lao động thấp nhưng chi phí tại nơi làm việc tăng cao, đặc biệt là chi phí nhà ở, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định, mặc dù một số địa phương đã có biện pháp cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt của công nhân trong các khu nhà trọ nhưng cần có giải pháp căn bản, dài hạn về chính sách nhà ở cho công nhân để thu hút người lao động quay trở lại làm việc.

 Ông Ngọ Duy Hiểu.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu: "Tôi nghĩ cần ban hành chính sách để thu hút lao động tới làm việc ở vùng kinh tế trọng điểm, trong đó có chính sách nhà ở. Qua Covid-19, chúng ta thấy nhà ở là vấn đề vô cùng quan trọng. Vừa rồi giá thuê nhà lại tăng, người dân bảo bao nhiêu tháng không cho thuê nên bây giờ họ phải tăng giá chung, công nhân có người lại e ngại nên chính sách này rất quan trọng. Bên cạnh đó nơi ở, nơi học tập cho con họ nhất là các trường công để giảm chi phí gửi con".

Tiền lương, thu nhập đảm bảo đời sống của người lao động và gia đình họ là một trong những cơ sở để thu hút người lao động quay trở lại làm việc tại các vùng kinh tế trọng điểm, do đó, cần tiếp tục thúc đẩy chính sách nhằm cải thiện thu nhập cho người lao động.

Mới đây, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng thêm 6%, vì vậy, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cần sớm trình Chính phủ Dự thảo Nghị quyết về tiền lương tối thiểu vùng năm 2022. Qua đó giúp cải thiện mức sống của người thu nhập thấp, lao động phổ thông, bảo đảm quyền lợi của người lao động cũng như doanh nghiệp, giảm thiểu tình trạng thiếu hụt lao động tại các khu kinh tế trọng điểm hiện nay.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang