Giải pháp thúc đẩy mục tiêu xanh hóa ngành ô tô đạt kết quả tối ưu
Sự kiện: DẤU CHÂN CARBON
Cục Đăng kiểm cảnh báo cuộc gọi mạo danh lừa đảo
Cảnh báo về ca mắc sốt rét ác tính hiếm gặp
Cảnh báo: Hơn 800 nghìn camera giám sát bị chia sẻ dữ liệu công khai trên mạng
Theo các số liệu thống kê, Việt Nam hiện có 6,5 triệu ô tô và 74 triệu xe máy, là một trong những quốc gia phát thải khí nhà kính thông qua vận tải đường bộ cao thứ nhì Đông Nam Á, sau Indonesia. Tốc độ tăng phát thải bằng phương tiện đường bộ cũng rất nhanh, bình quân trong vòng 10 năm khoảng 15%/năm.
Trong khi đó, xu hướng chung tại nhiều nước là đã và đang tìm mọi cách để cắt giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc sử dụng các phương tiện giao thông “xanh”. Và Việt Nam cũng đang đứng trước cơ hội để xanh hóa ngành ô tô. Tuy nhiên, đây cũng là một hành trình không ít thách thức.
Vì vậy, việc chuyển đổi, thay thế những “trạm phát thải” này không chỉ là hành động phù hợp với xu thế chung trên toàn thế giới, mà còn là một nhiệm vụ cấp bách để Việt Nam đạt được mục tiêu đề ra, trong việc đưa phát thải ròng bằng “0” (Netzero) vào năm 2050 như Chính phủ đã cam kết với cộng đồng quốc tế.
Theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho rằng, ngành ô tô xanh đang có cơ hội phát triển, nhưng vấn đề đặt ra là xây dựng chính sách phải rõ ràng, thống nhất. Đó là các cơ chế khuyến khích, ưu đãi cần cụ thể, mang tính dài hạn, ổn định. Cần có tính bền vững giữa đầu tư sản xuất xe ô tô điện và trạm sạc, đưa ra tỉ lệ nội địa hóa và lộ trình thực hiện; thúc đẩy tiêu dùng gắn với giảm thuế, ưu đãi cho cả nhà đầu tư và người tiêu dùng tùy vào mục đích thiết kế của chính sách và định hướng phát triển ngành ô tô.
Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Viện trường Viện Tư vấn phát triển tài chính carbon (CODE) nhận định Việt Nam có một thị trường lớn để có thể phát triển ô tô điện và xe máy điện, đồng thời cũng có nguồn tài nguyên đất hiếm để sản xuất pin. Tuy nhiên, nhà nước và doanh nghiệp cần phải có chính sách và chiến lược phát triển dài hạn để làm giảm phát thải khí nhà kính, vừa phát triển ngành công nghiệp cơ khí chế tạo hùng mạnh, ứng dụng được cho cả tiêu dùng vận tải, vận chuyển và quốc phòng.
Ảnh minh họa
Ông Nghĩa phân tích, hệ thống ngân hàng Việt Nam được phân hoá lớn với phần lớn là ngân hàng nhỏ cạnh tranh nhau khốc liệt và dựa trên nền tảng cho vay bất động sản hoặc thế chấp bằng tài sản là bất động sản. Tình hình này đã đẩy mặt bằng lãi suất lên cao mà các ngành công nghiệp khác, đặc biệt là công nghiệp cơ khí chế tạo hiện nay không thể phát triển được cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Đặc biệt là công nghệ liên quan đến công nghiệp cơ khí chế tạo trong đó có cả công nghệ phát triển ô tô điện và các hạng mục khác có liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính.
Do đó, để giải quyết thách thức này, TS. Lê Xuân Nghĩa nêu kinh nghiệm ở một số nước trong giai đoạn đầu phát triển công nghiệp ô tô thường duy trì hệ thống ngân hàng lớn đủ tiềm lực tài chính tài trợ cho phát triển công nghiệp nặng hoặc Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay bên ngoài để phát triển ngành công nghiệp này.
Ngoài giải pháp về vốn, ông Nghĩa cũng đề xuất có thể thực hiện một số chính sách khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, phí cầu đường, cơ sở hạ tầng cho các trạm sạc điện để đảm bảo doanh nghiệp có thể phát triển trạm sạc ở nhiều nơi với địa điểm thuận tiện cùng chi phí thấp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ô tô điện giảm thiểu được chi phí trạm sạc, duy tu, bảo trì sửa chữa pin…
Trình bày về Quá trình chuyển đổi ô tô thân thiện môi trường tại Việt Nam, ông Đào Công Quyết – Trưởng tiểu ban truyền thông, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, thị trường ô tô Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong tương lai, thông qua doanh số thị trường ô tô từ năm 2015 - 2023 tăng khoảng trên 100.000 xe/ năm, cùng quy mô dân số lớn đứng thứ 3 ASEAN.
Tuy nhiên, điều này không phải là một con số đáng mừng cho môi trường toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, bởi, để sản xuất hay lắp ráp một chiếc xe ô tô hoàn chỉnh sẽ cần khoảng 30.000 sản phẩm linh kiện như kim loại, nhựa, cao su, hoá chất, điện tử,... Việc sản xuất, lắp ráp các linh kiện này đều có tác động đến môi trường. Khi ô tô được đưa vào vận hành, sử dụng sẽ phát thải carbon, gây ô nhiễm không khí, hoặc chi phí sản xuất, xăng dầu phát sinh sẽ tiêu tốn hơn việc tận dụng nhiên liệu tự nhiên hay các linh kiện tái chế,...
Chiến lược Phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035 đã nhấn mạnh: Ngành Công nghiệp ô tô phải đảm bảo hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội, cũng như các yêu cầu về môi trường và xu hướng sử dụng năng lượng tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu trong nước và tham gia vào chuỗi sản xuất, chế tạo ô tô thế giới có giá trị xuất khẩu lớn.
Theo đó, để thực hiện Chiến lược và cam kết của Chính phủ thực hiện cam kết tại COP 21 và COP 26, VAMA hướng tới phát triển các nhóm chính sách tác động đến phát triển ngành công nghiệp ô tô, bao gồm: Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô, hạ tầng xe điện và năng lượng xanh; chính sách bảo vệ môi trường gồm tái chế sản phẩm thải bỏ, thuế môi trường đặc biệt từ thời điểm dừng bán xe phát thải CO2; thử nghiệm và chứng nhận xe điện; tiêu chuẩn, quy chuẩn xe điện và trạm sạc,...
Từ đó, VAMA đưa ra các đề xuất chính trong việc chuyển đổi từ xe ô tô sử dụng nhiên liệu sang xe điện, trong đó, việc phát triển xe điện hoá cần có lộ trình triển khai phù hợp với điều kiện tại Việt Nam cho các dòng xe: HEV, PHEV, FCEV; có chính sách ưu đãi cho từng dòng xe điện hoá nhằm hỗ trợ và khuyến khích người tiêu dùng, hướng tới giảm mức phát thải carbon; cũng như đề ra lộ trình và giải pháp, chính sách (thuế phí, ưu đãi, đầu tư) phát triển trạm sạc,...
Điều này sẽ góp phần giảm tổng lượng carbon phát thải (ước tính hơn 2,6 triệu tấn CO2) trong lĩnh vực giao thông theo định hướng của Chính phủ; giảm tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí và giúp bảo vệ môi trường. Cùng với đó, xe điện cũng giúp tiết kiệm chi phí tiêu dùng, tạo ra các cơ hội phát triển xanh cho chuỗi giá trị ngành.
Khánh Mai (t/h)