Gỡ “thẻ vàng” EC để đáp ứng yêu cầu quốc tế và phát triển thủy sản bền vững

(VietQ.vn) - Với sự vào cuộc quyết liệt từ trung ương đến địa phương, sau gần 8 năm đối mặt với “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU), Việt Nam đang đạt được những bước tiến đáng kể.
Tổng kiểm tra, xử lý dứt điểm tàu '3 không', 'tàu ma' để gỡ 'thẻ vàng' thủy sản
Việt Nam đang nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU
Tháo gỡ thẻ vàng IUU: Xử lý nghiêm tàu cá vi phạm giám sát hành trình
Cơ hội cuối cùng để Việt Nam tháo gỡ “thẻ vàng” IUU
Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến và trực tiếp lần thứ XII với 28 tỉnh, thành phố ven biển, Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU cho thấy Việt Nam đã cơ bản khắc phục các khuyến nghị của EC để gỡ “thẻ vàng”. Tính đến ngày 6/1/2025, tổng số đội tàu cá cả nước được thống kê là 84.536 chiếc, trong đó 83.648 chiếc (98,9%) đã cập nhật trên hệ thống VN-Fishbase. Đối với tàu cá từ 15 mét trở lên, 25.942/28.728 chiếc được cấp giấy phép khai thác thủy sản còn hạn (đạt 90,3%), và 23.312 chiếc đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), đạt tỷ lệ 100%.
Gỡ "thẻ vàng" cần đồng hành với phát triển thủy sản bền để giảm áp lực trong khai thác thủy sản. Ảnh minh họa
Công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác được thực hiện chặt chẽ hơn. Đến nay, chưa ghi nhận trường hợp vi phạm IUU nào trong các lô hàng xuất khẩu sang châu Âu. Việc kiểm soát thủy sản nhập khẩu từ nước ngoài cũng tuân thủ đầy đủ quy định quốc tế và khuyến nghị của EC.
Trong năm 2024, các địa phương đã khởi tố 32 vụ hình sự, xét xử công khai 10 vụ liên quan đến các hành vi như tổ chức xuất cảnh trái phép, lừa đảo, làm giả tài liệu, tháo gỡ VMS hay sử dụng vật liệu nổ trái phép. Tổng số tiền xử phạt hành vi vi phạm IUU lên tới gần 100 tỷ đồng, thể hiện sự nghiêm minh trong thực thi pháp luật.
Các địa phương ven biển đã có những bước đi cụ thể. Tại Quảng Trị, không còn tàu cá “3 không” (không đăng ký, không giấy phép, không đăng kiểm). Tỉnh này đạt 98,4% tàu cá lắp VMS, 97,16% tàu được cấp phép khai thác, 99,7% tàu đánh dấu theo quy định và 100% dữ liệu được cập nhật trên VN-Fishbase. Nhật ký khai thác và thông báo trước khi cập cảng đều đạt tỷ lệ tối đa. Năm 2024, Quảng Trị tổ chức 33 chuyến tuần tra, xử phạt 62 trường hợp vi phạm với số tiền 575,8 triệu đồng.
Tại Sóc Trăng, chính quyền đẩy mạnh tuần tra, kiểm tra 155 tàu cá trên biển, lập 20 biên bản vi phạm như mất kết nối VMS hay không cập cảng chỉ định, xử phạt 156,5 triệu đồng. Tỉnh cũng ban hành chính sách hỗ trợ cước phí thuê bao VMS, góp phần duy trì tỷ lệ lắp đặt thiết bị cao. Kết quả, từ năm 2023 đến nay, Sóc Trăng không ghi nhận tàu cá nào khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Tương tự, Bình Định đã đăng ký 5.988 tàu cá từ 6 mét trở lên, trong đó 3.190 tàu từ 15 mét trở lên lắp VMS đạt 100%. Tỉnh hoàn thành cấp đăng ký cho tàu “3 không” và ký quy chế phối hợp quản lý tàu cá với các tỉnh phía Nam (Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận) cũng như 10 tỉnh miền Trung (Thanh Hóa đến Khánh Hòa).
Theo ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, địa phương đã giao trách nhiệm cụ thể cho từng lực lượng, huy động cả công an để quản lý chặt ngư dân có nguy cơ vi phạm.
Bà Nguyễn Thị Trang Nhung - Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế (Cục Kiểm ngư) cho biết, đoàn thanh tra EC lần thứ 5 sẽ đến Việt Nam từ 21-31/3/2025, tập trung vào 4 nội dung chính: quản lý đội tàu, kiểm soát nguyên liệu nhập khẩu, truy xuất nguồn gốc và thực thi pháp luật. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) yêu cầu các địa phương báo cáo tiến độ trước ngày 28/2/2025 để chuẩn bị tốt nhất.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, so với 4 lần thanh tra trước, Việt Nam đã đạt kết quả tích cực nhờ hoàn thiện khung pháp lý với Luật Thủy sản 2017, 8 thông tư và các nghị định sửa đổi. Hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử được triển khai tại hơn 70 cảng cá, hồ sơ xuất khẩu sang EU đáp ứng yêu cầu, và 11 vụ hình sự được truy tố, xét xử.
“Gỡ ‘thẻ vàng’ không chỉ là đối phó mà là cơ hội để phát triển thủy sản bền vững. Khi cả hệ thống vào cuộc, không gì là không thể,” Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh. Đồng thời, ông kêu gọi đầu tư hạ tầng cảng cá và phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng.
Với những nỗ lực này, Việt Nam đang tiến gần hơn đến mục tiêu gỡ “thẻ vàng” EC, không chỉ để đáp ứng yêu cầu quốc tế mà còn để xây dựng ngành thủy sản minh bạch, bền vững trong tương lai.
Duy Trinh (t/h)