GS.TS Lê Huy Hàm: Nói thực phẩm biến đổi gen khiến trẻ dậy thì sớm là vô căn cứ

author 06:26 17/11/2019

(VietQ.vn) - GS.TS Lê Huy Hàm, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam cho biết, thông tin cho rằng thực phẩm biến đổi gen khiến trẻ em dậy thì sớm và hoàn toàn vô căn cứ, phi khoa học.

Chưa thể khẳng định thực phẩm biến đổi gen có hại

Theo PGS. TS Phạm Văn Hoan, Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho tới nay, dư luận vẫn đang tranh luận về tính an toàn, giá trị dinh dưỡng cũng như ảnh hưởng của cây trồng biến đổi gen, thực phẩm biến đổi gen đối với sức khỏe của con người.

Dẫn thông tin từ Bộ TN&MT, PGS.TS Phạm Văn Hoan cho biết, cho đến nay, vẫn chưa có khẳng định chắc chắn nào về tác hại của việc sử dụng các loại thực phẩm biến đổi gen (GMO).

Còn theo thông tin từ các tổ chức như WHO, FAO, FDA, EPA, thực phẩm biến đổi gen an toàn, có giá trị dinh dưỡng tương tự như thực phẩm không biến đổi gen; chưa phát hiện ảnh hưởng tiêu cực của thực phẩm biến đổi gen lên sức khỏe con người bởi cơ thể sẽ hấp thụ protein, lipit và các chất DD của GMO trong ruột, dạ dày chứ không hấp thụ gen. Hiện nay, cũng chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định GMO có tác động tới gen của con người.

Mặt khác, theo PGS.TS Phạm Văn Hoan, kết quả nhiều nhóm nghiên cứu độc lập được công bố ở một số tạp chí khoa học có giá trị như: Critical Reviews in Biotechnology, Environment International, Genetics, Nature Biotechnology, cũng khẳng định, lịch sử hơn 20 năm sử dụng GMO chưa thấy có báo cáo nào nói đến hiện tượng ngộ độc, gây quái thai, dị tật, gây ung thư hay bất kỳ tác dụng có hại nào trên người.

Cùng quan điểm trên, GS.TS Lê Huy Hàm, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam cho biết, tại Việt Nam đã có ít nhất 14 văn bản pháp lý liên quan đến cây trồng và sản phẩm cây trồng biến đổi gen ở các mức khác nhau như Luật, Nghị định, Thông tư đã được xây dựng và hoàn thiện từ 2006. Trong đó có 3 Luật là Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo tồn đa dạng sinh học và Luật vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, cũng có tới 5 Bộ và Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam tham gia trong việc đưa ra các quyết định liên quan đến sinh vật biến đổi gen (Bộ KH&CN, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT). 5 bộ và Viện Hàn Lâm KH&CN tham gia các hội đồng đánh giá và đưa ra quyết định.

“Cây trồng biến đổi gen trước khi được đưa vào trồng ở Việt Nam cần được đánh giá theo tiêu chuẩn Việt Nam về an toàn đổi với môi trường, đa dạng sinh học. Trong trường hợp sản phẩm biến đổi gen muốn được xem xét sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam thì phải được ít nhất 5 nước phát triển cho phép sử dụng cùng mục đích mới được đưa ra xem xét”, GS.TS Lê Huy Hàm cho hay.

 GS.TS Lê Huy Hàm cho biết hiện chưa có chứng cứ khoa học về ảnh hưởng của thực phẩm biến đổi gen tới sức khỏe của con người

  

GS.TS Lê Huy Hàm nói thêm, hiện Việt Nam nhập khoảng 7-8 triệu tấn ngô, khoảng 5-7 triệu tấn đậu tương và sản phẩm đậu tương; trong khi đó năm 2017, Trung Quốc nhập 95 triệu tấn đậu tương và hàng chục triệu tấn ngô từ các nước châu Âu, châu Mỹ.

“Có thể thấy, chính công nghệ gen đã giúp châu Mỹ sản xuất ra lượng lương thực lớn với giá cả hợp lý như vậy. Nếu không có công nghệ gen, châu Á và Việt Nam cũng không được hưởng giá lương thực, thực phẩm như hôm nay chúng ta đang có”, GS.TS Lê Huy Hàm nói.

Không có chuyện thực phẩm biến đổi gen khiến trẻ dậy thì sớm

Cũng theo GS.TS Lê Huy Hàm, từ trước đến nay chưa có một loại thực phẩm nào trước khi đưa vào sử dụng lại được nghiên cứu đánh giá an toàn nhiều như thực phẩm từ nguồn công nghệ sinh học nói chung và thực phẩm biến đổi gen nói riêng.

“Thực phẩm biến đổi gen được nghiên cứu đánh giá an toàn vô cùng vô cùng an toàn kỹ lưỡng. Suốt từ quá trình hình thành cho đến khi làm ra cây biến đổi gen trải qua nhiều loại đánh giá như đánh giá trên đồng ruộng, đánh giá trên mô hình, đánh giá trên gia súc, gia cầm  trước khi sử dụng cho người….

Nhân loại bắt đầu sử dụng cây trồng biến đổi gen từ năm 1996 cho đến 2018, tổng diện tích cây trồng biến đổi gen đã đạt 192 triệu ha trong khi đất lúa của chúng ta vỏn vẹn chỉ có 4 triệu ha. Cộng dồn lại từ năm 1996 đến nay tổng diện tích cây trồng biến đổi gen trên thế giới là 2,5 tỷ ha. 2,5 ha này đã góp phần làm ra hàng chục tỷ tấn lương thực thực phẩm và cho đến nay y học chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nào gặp rủi ro về sức khỏe do thực phẩm biến đổi gen gây ra”,GS.TS Lê Huy Hàm nhấn mạnh.

Cũng theo vị giáo sư này, Việt Nam có một “quy chế bảo vệ kép” đối với thực phẩm biến đổi gen. Điều này thể hiện ở chỗ, mặc dù trên thế giới đã sử dụng thực phẩm biến đổi gen 25 năm nay và chưa ghi nhận trường hợp nào bị ảnh hưởng sức khỏe, nhưng Việt Nam vẫn kiểm soát chặt chẽ thực phẩm biến đổi gen.

“Sản phẩm thực phẩm biến đổi gen để được sử dụng ở Việt Nam thì phải được ít nhất là 5 nước trong khu vực OECD đồng ý thông qua thì mới cho sử dụng ở Việt Nam. OECD có cả Hoa Kỳ, Brazil, argentina, Australia, Đài Loan (TQ), Hàn Quốc, Nhật Bản… Đây là những nước có tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cực kỳ cao.

Chúng ta đã khôn ngoan khi sử dụng hệ thống tiêu chuẩn an toàn của các nước có trình độ phát triển khoa học cao để áp dụng làm cho người dân an tâm khi sử dụng sản phẩm biến đổi gen ở Việt Nam”, GS.TS Lê Huy Hàm cho hay.

Nói về việc có luồng thông tin dư luận cho rằng việc sử dụng thực phẩm biến đổi gen sẽ khiến trẻ em dậy thì sớm, GS.TS Lê Huy Hàm khẳng định,đó là những thông tin vô căn cứ, phi khoa học.

“Nói thực phẩm biến đổi gen khiến trẻ em dậy thì sớm là điều hoàn toàn vô căn cứ, phi khoa học. Sản phẩm biến đổi gen trước khi được khi đưa vào sử dụng bao giờ cũng phải được đánh giá tương đương. Nếu nó không tương đương với cây trồng truyền thống thì không bao giờ được đưa vào sử dụng cả.

Về khía cạnh khoa học, hiện cũng không có một lý do nào để chúng ta nghĩ rằng thực phẩm biến đổi gen làm trẻ em dậy thì sớm hơn. Điều đó hoàn toàn vô căn cứ”, GS.TS Lê Huy Hàm khẳng định.

Vị giáo sư cũng nói thêm, công nghệ sinh học nói chung và sản phẩm biến đổi gen có tiềm năng lớn để phát triển nhưng sự chấp nhận của người tiêu dùng còn ở mức độ hạn chế, còn nhiều hoài nghi.

Do đó, rất cần tới sự vào cuộc khách quan của giới truyền thông, nhà khoa học, nhà quản lý để đưa sự thật khoa học về thực phẩm biến đổi gen cho người dân để họ lựa chọn đúng đắn, giúp thực phẩm biến đổi gen giúp ích nhiều hơn cho cuộc sống.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang