Hà Nội: Lập 715 biên bản vi phạm hoạt động xe buýt

author 08:37 01/08/2012

(VietQ.vn) - Bỏ tuyến, thái độ phục vụ không tốt, chạy sai lộ trình, sai biểu đồ đến phóng nhanh, vượt ẩu, lấn đường và “ép” các phương tiện khác… là những sai phạm và bất cập mà vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt gây ra hiện nay.

Theo đánh giá của Trung Tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội, trong điều kiện giao thông thủ đô đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó nổi bật là vấn đề gia tăng phương tiện cá nhân dẫn tới gia tăng áp lực giao thông và ùn tắc, vận tải hành khách công cộng mà chủ yếu là xe buýt đã góp phần giảm tải cho giao thông đô thị ở Hà Nội.

Đến nay, mạng lưới xe buýt của thành phố đã tăng lên đáng kể, đạt 10.800 lượt/ngày, vận chuyển được 1,1 triệu lượt khách/ngày. Hà Nội có 1.272 đầu xe buýt lớn nhỏ các loại. Trong đó, số xe đưa vào hoạt động dưới 5 năm là 370 xe, số xe từ 5-9 xe là 438 xe. Qua kiểm tra, đăng kiểm tại các trạm của Cục Đăng kiểm Việt Nam, số xe nói trên đều đảm bảo tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường Euro 2, 3; 100% xe có điều hòa, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình GPS.

tình trạng quá tải xe buýt ở Hà Nội diễn ra thường xuyên. Ảnh: N. Nam
Tình trạng móc túi ở các nhà chờ xe buýt vẫn diễn biến phức tạp. Ảnh: N. Nam

Hiện tại, toàn mạnh lưới xe buýt của thành phố cũng đã có 1.700 điểm dừng đón trả khách, 292 nhà chờ, 68 pano, 62 điểm đầu cuối, 2 điểm trung chuyển và 3,5 km đường dành riêng cho xe huýt.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung Tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội, cho rằng tình trạng xe buýt vi phạm luật giao thông vẫn còn khá phổ biến với những hiện tượng như vượt đèn đỏ, phóng nhanh, vượt ẩu, sử dụng còi hơi tùy tiện. Tình trạng chiếm dụng hạ tầng xe buýt, chiếm dụng lòng đường, vỉa hè còn khá phổ biến gây khó khăn cho xe buýt ra vào điểm đón khách, nguy hiểm cho hành khách lên xuống xe, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

“Giao thông đô thị ở Hà Nội thời gian qua cũng ảnh hưởng không nhỏ tới dịch vụ xe buýt. 691 lượt xe quay đầu do tắc đường gây nên. Hiện nay thiếu các cơ chế chính sách cho việc hỗ trợ mua sắm phương tiện tân tiến, thân thiện môi trường, các chính sách tạo nguồn tài chính cho vận tải công cộng ổn định, có chất lượng”, ông Hải nói.

Nhiều vụ tai nạn giao thông kinh hoàng ở Hà Nội là do xe buýt gây ra. Ảnh: N. Nam
Nhiều vụ tai nạn giao thông kinh hoàng ở Hà Nội là do xe buýt gây ra. Ảnh: N. Nam

Bên cạnh những vấn nạn kể trên, tình trạng trộm cắp trên xe buýt vẫn diễn biến phức tạp. Theo báo cáo mới nhất của đội phòng chống tội phạm hình sự trên các tuyến xe buýt (tổ công tác 142 – Công an TP. Hà Nội), trong những tháng qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 87 vụ với123 đối tượng liên quan.

Theo đánh giá của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội về quản lý và điều hành phương tiện công cộng, trong đó xe buýt chiếm đa số, cho thấy lực lượng chức năng đã lập 715 biên bản về vi phạm quy định hoạt động xe buýt, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2011.

Trong 715 vụ việc nói trên có 0,4% vi phạm thuộc về thái độ phục vụ của lái, phụ xe; 58,5% vi phạm về bán vé; 1,1% chạy sai lộ trình; 6% chạy sai biểu đồ, dừng đỗ sai quy định; 8,5% vi phạm về chất lượng phương tiện; 22,8% vi phạm chốt sai quy định và 2,7% thuộc các vi phạm khác.

 Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, để nâng tầm hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, giai đoạn 2011- 2015, Hà Nội sẽ mở rộng và phát triển mạng lưới lên 91 tuyến. Sản lượng hành khách công cộng bằng xe buýt cũng sẽ đạt 2,14 triệu người/ngày. Đến 2015 sẽ đáp ứng 15% nhu cầu đi lại của thành phố. Trong giai đoạn 2016-2020, phát triển mạng lưới lên 98 tuyến. Sản lượng hành khách công cộng bằng xe buýt đạt 2,73 triệu người/ngày. Đến 2020 sẽ đáp ứng 20% nhu cầu đi lại của người dân Hà Nội.

 

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang