Hà Nội phấn đấu chỉ số phát triển công nghiệp tăng trên 11%

author 15:41 05/12/2021

(VietQ.vn) - Với những chính sách hiện hành, TP. Hà Nội đã và đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua việc nâng cao năng lực của doanh nghiệp sản xuất; thu hút đầu tư nhằm gia tăng lượng và chất các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Hà Nội cũng đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư... Kiến nghị với Chính phủ cho phép ban hành những chính sách đặc thù phù hợp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trên toàn cầu...

Nhiều chính sách mới phát triển CNHT

Ngày 17/5/2021, Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 2143 về việc “Thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2021”. Kế hoạch này cũng nhằm thực hiện có hiệu quả và hoàn thành 100% các chỉ tiêu, nhiệm vụ, nội dung hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đề ra trong Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 01/3/2021 của UBND thành phố Hà Nội về Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2021, góp phần nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp CNHT tại Hà Nội, nhằm khuyến khích phát triển CNHT, đẩy mạnh sản xuất, thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp CNHT Hà Nội tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, sát thực tế nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp CNHT. 

Kế hoạch số 49 của UBND TP. Hà Nội đã đặt ra mục tiêu: Khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) và nâng cao năng lực các doanh nghiệp CNHT của Hà Nội. Tập trung phát triển các lĩnh vực CNHT dựa trên nhu cầu và lợi thế phát triển của Hà Nội, phù hợp với yêu cầu, định hướng phát triển công nghiệp của Hà Nội và cả nước, bao gồm 03 lĩnh vực chủ chốt là: sản xuất linh kiện phụ tùng, CNHT phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao và CNHT cho ngành dệt may - da giày.

Đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy mạnh liên kết cung ứng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế vào lĩnh vực CNHT nhằm gia tăng số lượng và chất lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT.

Mục tiêu cụ thể năm 2021 đặt ra là: Có khoảng 900 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực CNHT tại Hà Nội. Trong đó, khoảng 300 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Giá trị sản xuất công nghiệp của CNHT chiếm khoảng 16% giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Hà Nội; chỉ số phát triển công nghiệp lĩnh vực CNHT hàng năm tăng trên 11%.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển là do cơ chế, chính sách, mục tiêu phát triển chưa rõ ràng, chưa có trọng tâm, trọng điểm… nên đã kìm hãm sự tăng trưởng của ngành này ở Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung. Để ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp theo hướng sát thực tế hơn, đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư...

Hà Nội triển khai nhiều chương trình hỗ trợ

Ông Đàm Tiến Thắng - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để ngành CNHT vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, TP. Hà Nội cũng đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển theo hướng sát thực tế nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho các DN CNHT.

“Tuy nhiên, các DN CNHT của Thủ đô nhìn chung vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng, chủ yếu do có quy mô nhỏ, năng lực tài chính hạn chế nên khó đáp ứng được tiêu chuẩn cao của chuỗi sản xuất toàn cầu; chưa tự chủ được đầu vào... Điểm yếu này càng bộc lộ rõ khi dịch Covid-19 xảy ra khiến nhiều DN đứt gãy sản xuất, lưu thông, gia tăng chi phí sản xuất” - ông Đàm Tiến Thắng đánh giá.

Trước thực tế này, Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành Kế hoạch về việc “Thực hiện chương trình phát triển CNHT TP. Hà Nội năm 2021”. Theo đó, năm 2021, Hà Nội đặt mục tiêu có khoảng 900 DN CNHT trên địa bàn Thủ đô. Trong đó, khoảng 300 DN có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Chỉ số phát triển công nghiệp lĩnh vực CNHT hàng năm tăng hơn 11%.

Song song với đó, thành phố tập trung phát triển các lĩnh vực CNHT dựa trên nhu cầu và lợi thế, phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp của Thủ đô và cả nước, bao gồm 3 lĩnh vực chủ chốt là: sản xuất linh kiện, phụ tùng; CNHT phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao và CNHT ngành dệt may - da giày.

Ông Đàm Tiến Thắng cho biết thêm, vấn đề doanh nghiệp CNHT cần nhất hiện nay chính là sự minh bạch trong chính sách. Một chính sách đủ minh bạch, thông suốt và không còn cơ chế “xin - cho” mới là đòn bẩy giúp cho sự phát triển của doanh nghiệp CNHT. Bên cạnh đó, các DN cũng cần chủ động đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm hướng tiếp cận các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia để tìm hiểu yêu cầu của đối tác và “đầu ra” cho sản phẩm.

UBND thành phố Hà Nội sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất; kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài; thu hút, kêu gọi doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc quản lý, quản trị, phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ. Đồng thời, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

 Nguyễn Duyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang