Hà Nội xây dựng 3 vùng sản xuất chuyên biệt

author 06:44 08/09/2021

(VietQ.vn) - Sở NN&PTNT Hà Nội quyết định xây dựng và phát triển các vùng sản xuất chuyên biệt để đảm bảo chuỗi cung ứng cho người dân.

Với mục tiêu đề ra là đáp ứng đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân Thủ đô trong thời gian giãn cách xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Hà Nội đã xây dựng phương án chi tiết tổ chức sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản theo 3 phân vùng trong thời gian giãn cách xã hội. 

Cùng với đó, đưa ra các giải pháp về bảo quản, chế biến, tiêu thụ thực phẩm nông lâm sản và thủy sản trong điều kiện phòng, chống dịch; phương án cung cấp nguồn hàng nông sản, thực phẩm từ các tỉnh, thành phố.

Cụ thể, 3 vùng sản xuất chuyên biệt được Sở NNPTNT Hà Nội xây dựng gồm vùng 1 với 10 đơn vị hành chính: Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Tây Hồ, Hà Đông và một phần địa giới hành chính của 5 quận, huyện (Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín).

Vùng 2 gồm 5 đơn vị hành chính: toàn bộ địa giới 5 quận, huyện Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.

Vùng 3 gồm 10 đơn vị hành chính: Đan Phượng, Phúc Thọ, Ba Vì, Sơn Tây, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên và một phần địa giới hành chính của 5 quận, huyện (Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín).

 Hà Nội phân chia 3 vùng "đỏ, cam, xanh" để áp dụng các mức giãn cách khác nhau. Ảnh: Zing

Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, ngoài việc duy trì phát triển các vùng sản xuất chuyên biệt, ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ tăng cường phối hợp với Sở NNPTNT các tỉnh, thành phố, trọng tâm với 21 tỉnh, thành phố phía Bắc trong ban điều phối chuỗi cung ứng rau, thịt, thực phẩm an toàn cho Hà Nội.

Bên cạnh đó, rà soát, cập nhật danh sách đầu mối cung ứng của một số địa phương tiêu thụ qua các kênh phân phối, siêu thị...

Sở NNPTNT Hà Nội tiếp tục khai thác các đầu mối cung ứng đã cập nhật của 1.130 cơ sở của 22 tỉnh, thành phố phía Bắc và 23 tỉnh, thành phố miền Trung, miền Nam. Trong đó, có 453 cơ sở cung cấp rau, củ, trái cây với sản lượng hơn 92.623 tấn/tháng, 90 cơ sở cung cấp thịt gia súc, gia cầm với sản lương hơn 13.198 tấn/tháng; 28 cơ sở cung cấp trứng với sản lượng hơn 31,3 triệu quả/tháng.

Trên thực tế, nhu cầu tiêu dùng của 8,1 triệu dân Hà Nội trong 15 ngày giãn cách xã hội là 36.450 tấn gạo; 40.485 tấn rau, củ, quả; 9.716 tấn thịt gia súc; 2.429 tấn thịt gia cầm; 48,6 triệu quả trứng; 9.716 tấn thủy sản.

Theo dự kiến, thời gian tới, năng lực đáp ứng của ngành nông nghiệp Hà Nội là khoảng 133.815 tấn thóc (tương đương 82.965 tấn gạo); rau, củ, quả 20.404 tấn (chiếm khoảng 50,4% nhu cầu); thủy sản 5.363 tấn (đáp ứng 55% nhu cầu); thịt gia súc 10.000 tấn, thịt gia cầm 6.700 tấn; trứng 100 triệu quả, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng, một phần phục vụ hoạt động chế biến thực phẩm và tiêu thụ ngoại tỉnh.

Trước đó, UBND Hà Nội công bố phân vùng chống dịch Covid-19 theo mức độ nguy cơ. Ngay sau đó, Sở Công Thương Hà Nội đã phát đi thông cáo về đảm bảo cung ứng hàng hóa phục vụ người dân.

Cụ thể, đối với phân vùng 1, đảm bảo cung ứng hàng hóa cho khoảng 3,78 triệu người với 10 mặt hàng lương thực thực phẩm (gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, dầu ăn, gia vị, rau củ quả, thủy hải sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm chế biến từ ngũ cốc); 2 mặt hàng phòng chống dịch và 4 mặt hàng thiết yếu khác phục vụ trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ.

Hệ thống phân phối sẽ có 78 siêu thị, 149 chợ, 5.095 điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu có hình thức bán hàng trực tuyến, 927 địa điểm sẵn sàng trưng dụng làm kho, điểm bán hàng lưu động ngay khi cần thiết. 

Để đảm bảo nguồn và cung ứng hàng hóa, Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp phân phối hiện đại đảm bảo nguồn cung, điều động vận chuyển cung ứng và nhân lực phục vụ đáp ứng được yêu cầu của nhân dân trong vùng. Doanh nghiệp cần dự trữ hàng hóa gấp 2-3 lần so với nhu cầu sử dụng bình thường của người dân.

Đối với các chợ trên địa bàn, tiểu thương chủ động lấy hàng từ chợ đầu mối, trên địa bàn trong phân vùng 1. Ban quản lý chợ làm đầu mối tổng hợp nhu cầu nguồn hàng, trực tiếp liên hệ với các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, các hệ thống phân phối hiện đại… có nguồn cung để hỗ trợ tiểu thương về đầu vào, có hàng hóa bán lẻ phục vụ người dân.

Về điều kiện cho các xe vận chuyển hàng hóa, Sở cho biết các sở chuyên ngành rà soát danh sách các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu gửi Công an TP.Hà Nội cấp mã nhận diện (đối với ôtô) và cấp giấy phép đi đường cho các xe máy. Các shipper chỉ hoạt động trong phân vùng 1.

Về hình thức mua hàng, người dân được UBND quận/huyện phát phiếu mua hàng 2 lần/tuần cho từng hộ gia đình trên địa bàn quận/huyện để mua hàng trực tiếp tại các điểm bán. Còn mua hàng theo hình thức mua hàng trực tuyến, các đơn vị cung ứng hàng hóa thực hiện giao hàng qua nhân viên giao hàng theo địa bàn các quận/huyện.

Đối với phân vùng 2 và phân vùng 3, lượng hàng hóa phân vùng 2 cho tổng số dân là 1,63 triệu người; phân vùng 3 cho tổng số dân 2,68 triệu người với 12 mặt hàng thiết yếu, 2 mặt hàng phòng chống dịch, 5 mặt hàng thiết yếu khác phục vụ trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ.

Trong phân vùng 2 có 10 siêu thị, 102 chợ, 1.178 cửa hàng tiện ích, 653 điểm bố trí bán hàng lưu động, 49 cửa hàng gas, 112 cửa hàng xăng dầu. Phân vùng 3 có 13 siêu thị, 198 chợ, 3.273 cửa hàng tiện ích, 838 điểm bố trí bán hàng lưu động, 304 cửa hàng gas, 242 cửa hàng xăng dầu.

Sở Công Thương Hà Nội khẳng định Thành phố đảm bảo đầy đủ nguồn hàng và điều phối, cung ứng hàng hóa đầy đủ đến người dân trên địa bàn. Vì vậy, người dân không cần mua sắm tích trữ, chỉ mua đủ dùng cho 3 ngày/tuần theo lịch đi mua hàng.

Diệu Hương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang