Chuyển đổi số ngành nông nghiệp: Để đoàn tàu không lỡ nhịp!

author 07:16 28/08/2021

(VietQ.vn) - Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại trong nông nghiệp đã góp phần quan trọng thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm

Vài năm trở lại đây, việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại trong nông nghiệp đã góp phần quan trọng thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp nông nghiệp, nông dân ứng dụng chuyển đổi số và đã gặt hái thành công, tạo ra các nông sản chất lượng cao, giá thành hạ, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm...

Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến đã làm "thay da đổi thịt" nông nghiệp như sử dụng công nghệ internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI) đang đơn giản và hợp lý hóa việc thu thập, kiểm tra và phân phối tổng thể tài nguyên nông nghiệp bằng các cảm biến và hệ thống quản trị dữ liệu Big data...

Ngày càng nhiều doanh nghiệp nông nghiệp, nông dân ứng dụng chuyển đổi số và đã gặt hái thành công, tạo ra các nông sản chất lượng cao. Ảnh minh họa.

Đơn cử như tại Lâm Đồng, Công ty TNHH trang trại Langbiang (Langbiang Farm) được xem là doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi số. Ông Trần Huy Ðường, chủ trang trại rộng gần 30 ha cho biết, giờ các công nhân chỉ ngồi văn phòng "thăm" vườn, đọc dữ liệu quan trắc khí tượng, điều khiển nước tưới, phân bón, dinh dưỡng, độ ẩm".

Ông Ðường cũng được biết đến là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam canh tác rau khí canh trong nhà kính, hiện có hơn 10 loại rau cho thu hoạch cuốn chiếu hằng tuần.

Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) cho biết, những năm gần đây, ngành nông nghiệp đã quan tâm nhiều hơn đến các giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực. Trong trồng trọt, công nghệ IoT, Big data ứng dụng thông qua phần mềm cho phép phân tích các dữ liệu về môi trường, loại cây và giai đoạn sinh trưởng của cây, người tiêu dùng có thể truy xuất và theo dõi các thông số này theo thời gian thực;

Trong chăn nuôi, công nghệ IoT, Blockchain, công nghệ sinh học được áp dụng rộng ở trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Ngành chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ số nhiều nhất, với mô hình nổi bật là các trang trại hiện đại của Tập đoàn TH TrueMilk và Công ty Vinamilk; Công nghệ AI được sử dụng trong nuôi tôm nhằm phân tích các dữ liệu về chất lượng nước; quản lý thức ăn và sức khỏe của tôm nuôi...

Quyết không "lỡ nhịp con tàu"

Song song với những kết quả đáng ghi nhận, theo đánh giá của các chuyên gia, hiện việc áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, sử dụng, vận hành thiết bị (tự động, số, thiết bị phân tích...) còn thiếu.

Nhiều người dân và cả doanh nghiệp thiếu vốn, thiếu thông tin để ứng dụng số hóa, trong khi quy mô đất đai nhỏ lẻ, manh mún; thiếu liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác. Cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp.

Trình độ cơ giới hóa còn thấp, các công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp (cơ khí, chế biến sâu, dây chuyền kiểm nghiệm sản phẩm…) chưa tương xứng với công nghệ số. Tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh miền núi, nhận thức và trình độ của nông dân còn hạn chế, nên khó áp dụng công nghệ mới, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…

Giải quyết, tháo gỡ được những khó khăn nêu trên sẽ giúp khơi thông và lan tỏa mạnh mẽ "dòng chảy" chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, thực hiện chuyển đổi số cần tập trung xây dựng hệ thống dữ liệu lớn của ngành; hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua nền tảng số; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử và ngay cả lĩnh vực điều hành, quản lý cũng cần ứng dụng mạnh chuyển đổi số để các chính sách hỗ trợ, chỉ đạo sản xuất được kịp thời hơn…

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Chuyển đổi số trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” diễn ra vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đưa ra nhận định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thời đại, đã đến lúc kinh tế tri thức phải được đưa vào những cánh đồng và nhà máy. Có như vậy, ngành nông nghiệp mới không bị "lỡ nhịp con tàu" chuyển đổi số trong cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu.

“Chúng ta hay sợ và e dè những cái mới, trong tâm thức thường lựa chọn an toàn, bởi vì cái mới nhiều khi cũng kèm theo những điều gì đó rườm rà, rắc rối, rủi ro. Chúng ta không phải là người đã lỡ nhịp tàu, chỉ là đang đứng ở sân ga nhìn thế giới chuyển động tiến về phía trước, phải mạnh mẽ nhảy lên đoàn tàu đó để cùng khởi hành. Chúng ta có đi ta mới đến, bởi chỉ có nhiều ý định nhưng không hành động sẽ không bao giờ đạt được điều gì”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

 Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang