Hạt quả cây ngô đồng trồng làm cảnh chứa chất độc có thể gây rối loạn thần kinh, tim mạch

author 06:28 29/03/2023

(VietQ.vn) - Theo các chuyên gia, từ trước tới nay cây ngô đồng được trồng làm cảnh ở nhiều nơi nhất là trong trường học tuy nhiên quả cây ngô đồng không thể ăn được do chứa chất dầu có độc.

Theo ghi nhận chỉ trong tháng 3 gần đây đã có hơn 20 học sinh bị ngộ độc sau khi ăn hạt ngô đồng tại hai tỉnh Lâm Đồng và Hà Tĩnh.

Cụ thể, vào ngày 23/3 vừa qua, 14 học sinh trường của một trường cấp 2 tại huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng đã phải nhập viện điều trị do ngộ độc thực phẩm sau khi ăn hạt ngô đồng. Trước đó, ngày 10/3, 11 học sinh của một trường cấp 2 khác tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh cũng gặp tình trạng tương tự sau khi ăn hạt ngô đồng. Các chuyên gia y tế cho biết, rất có thể vì hình dáng hạt của cây ngô đồng hơi dẹt, giống hạt dẻ nên gây nhầm lẫn cho trẻ.

Liên quan tới sự việc này, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản số 798/SYT-NVY chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và trường học khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm do ăn phải các loại cây, hoa, quả có khả năng gây độc.

Để chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm do ăn các loại cây, hoa, quả có độc, bảo đảm sức khỏe cho người dân nói chung và học sinh nói riêng, Sở Y tế Lâm Đồng yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo các trường học rà soát, thu gom, xử lý ngay các quả còn sót trên cây ngô đồng; loại bỏ các loại cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc được trồng với mục đích làm cảnh hoặc mọc hoang dại trong khuôn viên trường. Riêng các loại cây cổ thụ hiện có ở sân trường như cây ngô đồng và một số loài cây khác trồng với mục đích học tập, nghiên cứu, cần có biển cảnh báo và biện pháp kiểm soát an toàn phù hợp với từng loại cây.

 Quả cây ngô đồng chứa độc cần thận trọng trồng làm cảnh ở sân trường. Ảnh minh họa

Các cơ quan, đơn vị, trường học tăng cường thông tin, tuyên truyền, giáo dục kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc các độc tố tự nhiên; khuyến cáo người dân và các em học sinh tuyệt đối không ăn các loại cây, hoa, quả lạ từ các cây mọc hoang dại, cây mọc ở chùa, đình, làng, đặc biệt là cây mọc tại khuôn viên trường học; thường xuyên giám sát, phát hiện sớm những vấn đề bất thường về sức khỏe nghi ngờ do ăn phải các loài cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc và thông báo với cơ sở y tế gần nhất để phối hợp xử lý kịp thời.

Nói tới quả cây ngô đồng, Bộ Y tế cho biết, cây ngô đồng có tên khoa học là Hura crepitans, thuộc họ thầu dầu Euphorbiaceae. Ngoài ra, dân gian còn gọi bằng những tên khác là cây ba đậu tây hoặc vông đồng. Cây ngô đồng cao từ 3 đến 6m, cành nhẵn, lá mọc so le nguyên hình trứng đầu nhọn mép có răng cưa, một số lá màu đỏ nâu. Hoa cây ngô đồng mọc thành chùm, quả nang, nhẵn, ngoài có vỏ cứng, khi chín tách ra. Hạt có hình trứng, mờ, màu nâu xám.

Trong Đông y, vỏ ngô đồng dùng làm thuốc tẩy, trị táo bón, gây nôn, lợi sữa. Lá dùng trị ghẻ lở. Trong dân gian, người ta dùng cuống lá, thân cây, giã ra chế nước sôi uống trị ho ra máu, khạc ra máu.

Theo Ths-BS Bùi Đức Vũ, khoa Cấp cứu - Chống độc Bệnh viện Nhi Trung ương, hạt cây ngô đồng có chất curcin, là độc tố chính gây độc cho đường tiêu hóa và gan. Người ăn hạt ngô đồng sẽ bị đau đầu, nôn mửa, tiêu chảy, bị nặng có thể gây xuất huyết đường tiêu hóa, rối loạn thần kinh, rối loạn tim mạch, xuất huyết tiêu hóa.

Nếu trẻ ăn nhầm quả ngô đồng, lập tức dùng mọi biện pháp làm trẻ nôn ra, càng nôn được nhiều càng tốt. Trong khi nôn cần để đầu nghiêng về một bên và dùng khăn lau sạch các chất dịch, đàm nhớt. Cho trẻ uống một cốc nước ấm (có thể pha muối) rồi tiếp tục để trẻ nôn. Sau khi tiến hành sơ cứu tạm thời, hãy đưa trẻ bị ngộ độc đến cơ sở y tế gần nhất.

Trước tình trạng nhiều học sinh bị ngộ độc khi ăn phải quả cây ngô đồng, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các cơ sở giáo dục trong cả nước loại bỏ ngay cây ngô đồng trong khuôn viên. Đồng thời, không trồng các loài cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc, trong đó có cây ngô đồng. 

Đề nghị các địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm cho học sinh. Đặc biệt, tuyên truyền để các học sinh tuyệt đối không sử dụng bất kỳ bộ phận của cây, hoa chứa các hợp chất gây độc hoặc nghi ngờ để ăn uống. 

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang