Hậu COVID-19: Làn sóng M&A chảy mạnh vào các dự án BĐS công nghiệp

author 16:53 13/06/2020

(VietQ.vn) - Các chuyên gia bất động sản đưa ra nhận định, doanh nghiệp Trung Quốc đang tăng M&A (sáp nhập – mua lại) các dự án bất động sản công nghiệp tại Việt Nam.

Chia sẻ tại hội thảo “Giải pháp phục hồi thị trường bất động sản hậu COVID-19”, ông Phạm Thanh Hưng (Shark Hưng), Phó chủ tịch HĐQT Cen Group cho biết để đón các doanh nghiệp dịch chuyển khỏi Trung Quốc, bên cạnh xây dựng các khu công nghiệp thì việc phát triển hệ thống logistic cũng như phát triển công nghiệp phụ trợ là điều cần quan tâm.

Hiện có 2 xu hướng về làn sóng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Thứ nhất là cuộc dịch chuyển từ chính các nhà đầu tư nước ngoài - họ sẽ thuê các nhà máy đi kèm dịch vụ, cung cấp trọn gói từ A-Z. “Có thể thấy, ngay sau khi có động thái dịch chuyển này thì rất nhiều nước xung quanh chúng ta cũng lên kế hoạch để đón làn sóng dịch chuyển”, ông Hưng nói.

Ông cũng lấy ví dụ, Indonesia đã có kế hoạch “đi tắt đón đầu”, đàm phàn với chính phủ Mỹ về việc di dời các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc sang quốc đảo này. Chính phủ nước này đã chuẩn bị 4.000ha đất để đón các công ty này. Còn Việt Nam đang hi vọng Apple sẽ đặt nhà máy tại đây.

Theo ông Hưng, trong các nước Đông Nam Á, Việt Nam đang có lợi thế về mặt địa lý, song Việt Nam lại có nhiều bất cập khác về tính sẵn sàng. 

“Cơ hội sẽ dành cho tất cả mọi người và chỉ đến với ai khi sẵn sàng đón nhận”, ông Hưng nói và cho rằng khi các doanh nghiệp đi khỏi Trung Quốc thì cơ hội dành cho các nước Đông Nam Á và họ muốn đến nước nào đã sẵn sàng đón nhận họ. “Chúng ta dường như chưa thực sự sẵn sàng và hơi chậm chạp”, Shark Hưng nhận định.

 Làn sóng M&A chảy mạnh vào các dự án BĐS công nghiệp tại Việt Nam

Xu hướng thứ hai, theo ông Hưng là xu hướng dịch chuyển từ những nhà cung cấp dịch vụ bất động sản hạ tầng và khu công nghiệp cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nếu quan sát về báo cáo thị trường M&A thì số lượng M&A tại Việt Nam tăng vọt trong vòng 3-4 tháng đầu năm 2020.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, bà Vân Nguyễn – Giám đốc Bộ phận Thị trường JLL cho biết, xu hướng dịch chuyển các nhà máy khỏi Trung Quốc đã có cách đây vài năm, khi Chính phủ Trung Quốc mong muốn xây dựng ngành sản xuất sạch. Do vị trí chiến lược gần Trung Quốc nên Việt Nam có cơ hội đón làn sóng dịch chuyển này.

Trước đại dịch COVID-19, Việt Nam đã là điểm đến trong nhiều điểm đến khác. Nhưng khi COVID-19 diễn ra và đỉnh điểm là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thì việc dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc ngày càng nhiều.

Tuy nhiên, ngoài Việt Nam còn có nhiều nước khác như Ấn Độ (lợi thế về dân số đông, diện tích lớn). "Chúng tôi nhận thấy, nguồn cung ở Việt Nam lớn tuy nhiên đất sạch thì chưa có nhiều, giải phóng mặt bằng còn khó khăn. Việc lựa chọn và cấp giấy phép đầu tư cũng cần có sự lựa chọn để tránh tình trạng Việt Nam trở thành nơi chuyển dịch của các nhà máy, nhà sản xuất không sạch", bà Vân Nguyễn chia sẻ.

Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang