Kết nối giao thương Hà Nội với các địa phương: Thúc đẩy thương mại đa kênh, liên kết chuỗi giá trị
Trái cây, nông đặc sản của 15 địa phương tìm đầu ra tại thị trường Hà Nội
Nhiều cơ hội kết nối giao thương tại Hội chợ Xúc tiến nông nghiệp, sản phẩm OCOP Hà Nội 2020
Nhiều hoạt động kết nối cung- cầu, thúc đẩy tiêu thụ
Ngày 25/11/2020, UBND Thành phố Hà Nội và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức “Hội nghị giao thương kết nối cung cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2020”. Đây là Hội nghị giao thương thường niên do Bộ Công Thương và UBND thành phố Hà Nội phối hợp đồng tổ chức. Hội nghị năm nay thu hút gần 60 tỉnh thành phố, với hơn 400 doanh nghiệp sản xuất và hơn 100 đơn vị phân phối tham dự.
Với hơn 10 triệu người dân đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn cùng một số lượng lớn người dân thường xuyên đến học tập, làm việc thời vụ, Hà Nội là thị trường tiêu thụ hàng hoá lớn với mạng lưới phân phối phát triển đồng bộ, hiện đại hàng đầu cả nước, gồm 25 trung tâm thương mại, 141 siêu thị, 455 chợ, gần 1.000 hệ thống cửa hàng tiện lợi, 786 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn, trên 65 chuỗi kinh doanh các hàng nông sản, thực phẩm..., có khả năng tập trung, phát luồng hàng tới các vùng, miền trong cả nước và xuất khẩu. Trong khi đó, khả năng cung ứng của các mặt hàng trên địa bàn Thành phố hiện vẫn chưa đáp ứng được so với nhu cầu của nhân dân.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, những tháng đầu năm 2020, dịch Covid- 19 đã gây ra sự gián đoạn chuỗi thương mại toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng giảm khiến hoạt động xuất khẩu của nhiều sản phẩm nông sản, hàng hóa trong nước bị đình trệ, nguy cơ dư cung cao.
Xác định thị trường nội địa là cứu cánh cho nền kinh tế, Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa. Năm 2020, thành phố Hà Nội phối hợp, hỗ trợ với các tỉnh, thành phố tổ chức trên 20 hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại, tuần lễ trái cây, nông sản thực phẩm các địa phương tại Hà Nội.
Trong năm 2020, sự kết nối giao thương giữa các tỉnh với Hà Nội sôi động hơn, đặc biệt là sự góp mặt của các tỉnh phía Nam như Đồng Tháp, Sóc Trăng..., đưa nhiều sản phẩm mới quảng bá, kết nối hàng hóa tại thị trường Hà Nội.
Đến nay, Hà Nội đã phát triển được 786 chuỗi cung ứng nông sản Hà Nội và các tỉnh, thành phố cung cấp cho thị trường Thủ đô. Đã có trên 400 sản phẩm mới được các doanh nghiệp Hà Nội kết nối, tiêu thụ tại các điểm bán OCOP trên địa bàn, các sự kiện do thành phố Hà Nội tổ chức.
Cùng với đó, Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh, thành phố tham gia các Chương trình kích cầu tiêu dùng thành phố Hà Nội năm 2020; giới thiệu sản phẩm trên Trang thông tin nông sản an toàn thành phố Hà Nội nhằm hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương, kết nối Nhà sản xuất - Nhà phân phối – Người tiêu dùng trên địa bàn Thành phố.
Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã hỗ trợ các tỉnh, thành phố kết nối, tiêu thụ được trên 10.000 tấn nông sản thực phẩm, thủy sản của các địa phương dư cung do ảnh hưởng bởi thị trường tiêu thụ và xuất khẩu giảm sút bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid- 19.
Đồng hành cùng các cơ quan của Thành phố, các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn Hà Nội (Central Group, MM Mega Market, BRG, Aeon...) đã tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ quảng bá, kết nối sản phẩm các địa phương vào hệ thống phân phối của đơn vị bằng nhiều hình thức như: chiết khấu 0% cho các hộ nông dân; tổ chức các tuần hàng OCOP, chợ phiên nông sản tại kênh phân phối; tổ chức kết nối giữa bộ phận thu mua với doanh nghiệp, hợp tác xã các tỉnh, thành phố để xúc tiến, đưa hàng vào hệ thống phân phối hiện đại.
Thúc đẩy thương mại đa kênh, liên kết chuỗi giá trị
Cùng với sự phát triển về công nghệ, tác động của đại dịch Covid 19 đã thúc đẩy xu hướng mua hàng trực tuyến của đông đảo người tiêu dùng, thương mại điện tử càng chứng tỏ ưu thế và đã phát huy được tác dụng tích cực.
Chính vì vậy, Hội nghị giao thương kết nối cung cầu năm nay có chủ đề: Thương mại đa kênh-liên kết theo chuỗi giá trị, hướng tới phát triển bền vững”. Ngoài các đơn vị phân phối là các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng…, còn có sự tham gia của các sàn thương mại điện tử, đơn vị tư vấn về truy xuất nguồn gốc hàng hóa, giải pháp tài chính… nhằm đa dạng hóa các giải pháp kết nối, ứng dụng công nghệ, tiếp cận thị trường và người tiêu dùng.
Tại hội nghị, các đại biểu của các tỉnh, thành phố trên cả nước đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về cách thức liên kết, giao thương, gắn kết các vùng sản xuất với phân phối để phát triển kinh tế địa phương.
Theo các đại biểu, việc thúc đẩy thương mại đa kênh sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương một cách ổn định, bền vững.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch thành phố Hà Nội đã ký hợp tác với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp đưa nông sản, thực phẩm, đặc sản vùng miền qua hệ thống thương mại điện tử, kết nối trang nông sản an toàn Hà Nội với “Gian hàng quốc gia” trên sàn thương mại điện tử.
Dịp này, Sở Công Thương Hà Nội cũng ký hợp tác với 28 Sở Công Thương các tỉnh, thành phố liên kết, tạo kênh cung ứng- tiêu thụ sản phẩm 2 chiều bền vững giữa thị trường Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Lê Kim Liên