Khai thác tiềm năng hợp tác Việt Nam - EU hướng tới phát triển kinh tế xanh bền vững
Kinh tế xanh và các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chiến lược kinh tế xanh tại Việt Nam
Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn bền vững là cách để doanh nghiệp gia tăng giá trị
Khẩn trương ban hành tiêu chí xác định hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia
Phát triển kinh tế xanh: Đẩy mạnh hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật về tiêu chuẩn môi trường
Theo Đại sứ EU tại Việt Nam Julien Guerrier, EU và Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong hợp tác, đặc biệt thông qua các sự kiện như Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh 2024 (GEFE 2024), tạo điều kiện cho các doanh nghiệp EU và Việt Nam cùng hợp tác phát triển trong lĩnh vực công tư và năng lượng tái tạo.
Đại sứ EU tại Việt Nam Julien Guerrier. (Ảnh: Duy Trinh)
Sau hơn 4 năm kể từ khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực (01/8/2020 - 01/8/2024), Việt Nam đã ghi nhận tăng trưởng đáng kể trong xuất khẩu sang EU, trở thành quốc gia có thị phần xuất khẩu lớn nhất trong khối ASEAN vào thị trường này. Ông Guerrier khẳng định doanh nghiệp EU sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trên hành trình phát triển, đặc biệt hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045.
"Chúng tôi cam kết cùng Việt Nam trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế xanh và GEFE là điểm đến để giới thiệu công nghệ của châu Âu hướng tới tương lai xanh hơn", Đại sứ EU tại Việt Nam Julien Guerrier nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), Việt Nam nhận thức rõ tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và cam kết sớm trong việc theo đuổi phát triển xanh, với mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050. EuroCham cùng các tổ chức EU tại Việt Nam đã hỗ trợ tích cực thông qua các sáng kiến và chương trình hợp tác, đồng thời khuyến khích các nhà đầu tư châu Âu tham gia vào dự án xanh tại Việt Nam.
Quan hệ Việt Nam - EU đã phát triển mạnh mẽ trong hơn 30 năm qua, với sự gia tăng đáng kể về thương mại và đầu tư. Kim ngạch thương mại giữa hai bên tăng hơn 4 lần và thương mại dịch vụ tăng hơn 2 lần trong suốt thời gian này. Trong 6 tháng đầu năm 2024, EU đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (chỉ sau Hoa Kỳ), với tổng giá trị xuất khẩu đạt 24,7 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam cũng nhập khẩu từ EU 7,7 tỷ USD trong cùng giai đoạn, tăng 8,5% so với năm 2023.
EVFTA đã mang lại những lợi ích lớn, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của các nhà cung cấp Việt Nam và tăng cường tiếp cận thị trường EU. Ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh, hiệp định này đã thúc đẩy các nhà đầu tư EU mở rộng hoạt động tại Việt Nam, đưa EU trở thành một trong những nhà đầu tư FDI hàng đầu với hơn 2.450 dự án và tổng vốn đầu tư hơn 28 tỷ Euro.
Toàn cảnh buổi hội thảo với sự tham gia của các đại biểu và quan khách.
Mặc dù hợp tác giữa Việt Nam và EU có tiềm năng lớn, lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi vẫn gặp nhiều khó khăn trong triển khai do những trở ngại về quy hoạch và chính sách. Theo ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch EuroCham Việt Nam, năng lượng đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển xanh, đặc biệt đối với các quốc gia xuất khẩu như Việt Nam. Trong số các nguồn năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi được coi là tiềm năng lớn của Việt Nam, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là từ châu Âu.
Tuy nhiên, việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi đang gặp nhiều khó khăn do chậm trễ trong khâu quy hoạch và chính sách. Ông Minh giải thích rằng, việc này không chỉ xuất phát từ phía Việt Nam mà còn do các nhà đầu tư quốc tế cần thời gian để phân bổ nguồn lực một cách hợp lý. Các doanh nghiệp năng lượng thường phải hoạt động ở nhiều quốc gia khác nhau, họ phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định đầu tư vào dự án nào. Chi phí đầu tư vào các dự án điện gió ngoài khơi gần đây tăng cao, trong khi giá bán điện vẫn giữ ở mức ổn định. Do đó, việc triển khai các dự án cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính và nguồn lực.
Ông Minh cũng cho rằng, nếu các quy hoạch và chính sách liên quan được hoàn thiện sớm hơn, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn trong thu hút đầu tư và phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng thị trường điện gió ngoài khơi của Việt Nam vẫn còn rất tiềm năng và các nhà đầu tư EU vẫn tiếp tục xem Việt Nam là điểm đến hấp dẫn.
Phát triển bền vững không chỉ dừng lại ở việc chuyển đổi năng lượng. Các nhà đầu tư EU còn cam kết hỗ trợ Việt Nam thông qua các khoản viện trợ không hoàn lại để thực hiện nhiều dự án quan trọng, bao gồm cải thiện cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường, cung cấp nước sạch và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Ông Alain Cany - Chủ tịch Ban Cố vấn EuroCham khẳng định rằng EU sẽ không để Việt Nam đơn độc trong hành trình giảm phát thải ròng bằng 0. Với sự hỗ trợ tài chính và công nghệ từ EU, Việt Nam có thể tiếp cận những giải pháp bền vững và lâu dài để phát triển kinh tế xanh.
Duy Trinh