Phát triển kinh tế xanh: Đẩy mạnh hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật về tiêu chuẩn môi trường

author 05:36 25/05/2024

(VietQ.vn) - Để đảm bảo lợi ích, sức khỏe và an toàn của người dân và sự phát triển của doanh nghiệp trong dài hạn, việc hoạch định một lộ trình tăng trưởng kinh tế vừa thúc đẩy phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường là vô cùng quan trọng.

Cùng với những thành tựu kinh tế đạt được thời gian qua, Việt Nam cũng phải đối mặt với mối đe dọa ngày càng gia tăng từ biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Để đảm bảo lợi ích, sức khỏe và an toàn của người dân và sự phát triển của doanh nghiệp trong dài hạn, việc hoạch định một lộ trình tăng trưởng kinh tế vừa thúc đẩy phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường là vô cùng quan trọng.

Khu công nghiệp xanh Nam Cầu Kiền tại Hải Phòng. Ảnh: Báo Nhân dân.

Theo Báo cáo Chỉ số Xanh cấp tỉnh PGI 2023, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật về tiêu chuẩn môi trường. Tại thời điểm tiến hành khảo sát PGI 2023, nhiều văn bản định hướng quan trọng về tăng trưởng xanh của Việt Nam, bao gồm Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, mới bắt đầu có hiệu lực một năm rưỡi trước đó.

Dù ra đời chưa lâu nhưng rõ ràng những văn bản này đang bắt đầu có tác động đến việc thực hiện ở cấp tỉnh, đặc biệt về mặt hướng dẫn và thực thi quy định. Tuy nhiên, một số nội dung của Luật Bảo vệ môi trường 2020 hiện vẫn chưa có đầy đủ văn bản hướng dẫn triển khai. Hầu hết chính sách quan trọng về môi trường và tăng trưởng xanh dường như mới xuất hiện ở cấp trung ương. Ở cấp tỉnh sự tham gia của các bên liên quan mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu, trong khi địa phương được phân cấp, phân quyền ngày càng nhiều hơn và được trao trách nhiệm lớn hơn trong bảo vệ môi trường.

Đồng thời, báo cáo cũng khuyến nghị về vai trò của người tiêu dùng là rất quan trọng. Các công cụ như chính sách, quy định, thuế đều có những hạn chế nhất định. Doanh nghiệp sẽ chỉ thực sự có động lực để thay đổi hành vi (đầu tư lớn để chuyển đổi sang quy trình sản xuất kinh doanh xanh) nếu hành vi đó được thị trường đánh giá cao và đón nhận.

Do đó, các chương trình tuyên truyền, truyền thông, nâng cao nhận thức người tiêu dùng Việt Nam về tầm quan trọng của hoạt động sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường và khuyến khích họ trả giá cao hơn cho sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp xanh, buộc các doanh nghiệp gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình sẽ góp phần tích cực giảm ô nhiễm và suy thoái môi trường. Ý thức về môi trường ở Việt Nam đang bắt đầu thay đổi tích cực khi ngày càng nhiều người tiêu dùng sẵn sàng đánh đổi lợi ích kinh tế trước mắt để có được sự bền vững môi trường về lâu dài.

Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh rằng: “Chúng ta cũng tham gia hội nhập quốc tế, ký nhiều các Hiệp định FTA, một trong những động lực tăng trưởng của Việt Nam là xuất khẩu, nhưng xuất khẩu phải bảo đảm xanh. Đây là yêu cầu khắt khe của thế giới. Các nước đều bàn đến tăng trưởng xanh, do đó Việt Nam không có tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, bảo đảm đời sống nhân dân thì rất khó hội nhập.”

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang