Khuyến khích đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế tuần hoàn
Động lực tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2022
Giải pháp thúc đẩy nền kinh tế số tại Việt Nam
Xu hướng sử dụng nhựa tái chế và vai trò trong phát triển nền kinh tế tuần hoàn
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, vào ngày 7/6/2022, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Theo đó, phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) ở Việt Nam là một trong các định hướng ưu tiên trong quá trình cơ cấu lại và thúc đẩy xanh hóa các ngành kinh tế, trực tiếp góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính/GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về "0" vào năm 2050.
Phát triển KTTH là một quá trình liên tục, được lồng ghép và cộng hưởng với các chính sách, dự án liên kết vùng, các hoạt động thực hiện Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050… Qua đó, ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng chống chịu của người dân với biến đổi khí hậu, đảm bảo bình đẳng về điều kiện, cơ hội phát huy năng lực, cải thiện năng suất lao động và thu nhập của người lao động.
Phát triển KTTH sẽ đóng góp vào việc phục hồi các tài nguyên tái tạo được, giảm tiêu hao năng lượng, tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, tỉ lệ che phủ rừng, tăng cường tỉ lệ tái chế rác thải, tăng cường tỉ lệ nội địa hóa các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và công nghiệp xuất khẩu; tái sử dụng, tái chế…
Trong nông nghiệp, phát triển KTTH chú ý ưu tiên phát triển các vùng, cụm nông nghiệp tập trung quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết "4 nhà" theo chuỗi giá trị, mạng sản xuất hàng hóa nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo chuẩn mực quốc tế, có giá trị gia tăng cao. Phát triển làng nghề, các sản phẩm OCOP, phát triển các loại cây, con có lợi thế, có giá trị cao, phù hợp yêu cầu của thị trường và biến những phụ phẩm trong nông nghiệp thành sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.
Ảnh minh hoạ
Chuỗi giá trị ngành hàng nông sản phải được hình thành thay cho chuỗi liên kết dễ bị tổn thương do xung đột lợi ích các bên tham gia và biến cố thị trường. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng công nghệ gien, công nghệ sinh học, công nghệ số trong sản xuất, quản lý sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản. Quan tâm tới xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, tuân thủ quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, kiểm định chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
Để phát triển KTTH, Nhà nước cần hỗ trợ huấn luyện, tập huấn, đào tạo bà con nông dân xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng, hệ sinh thái ngành hàng; kêu gọi đầu tư các cụm liên kết công - nông nghiệp; xây dựng dữ liệu cung - cầu nông sản minh bạch tiến tới hình thành các sàn giao dịch nông sản dưới sự hỗ trợ của công nghệ số hoá.
Đồng thời, phân tích, điều chỉnh chính sách hỗ trợ sản xuất và phát triển, tác động đến thị trường một cách phù hợp, linh hoạt, kịp thời; tôn vinh và nhân rộng các tấm gương điển hình, mô hình hiệu quả tạo hiệu ứng tích cực, sức lan tỏa sâu rộng như mô hình kinh tế chăn nuôi lợn siêu nạc công nghệ cao, kết hợp thả cá…
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách phù hợp; làm tốt công tác quy hoạch và quản lý theo quy hoạch trên cơ sở thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy định của pháp luật về quy hoạch và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh cải cách thể chế, thủ tục hành chính, bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, hiện đại hóa nền hành chính.
Khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mở rộng thị trường; hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế.
Tăng cường năng lực kiểm toán môi trường; nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và lộ trình thu thập, sử dụng, phân tích thông tin nhằm hỗ trợ các ứng dụng, giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông toàn diện, hài hòa gắn với mô hình KTTH. Tích cực thông tin tuyên truyền đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch về các chủ trương, chính sách tổ chức thực hiện, tăng cường nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đối với mô hình KTTH; tạo sự đồng thuận cao trong xã hội đẩy mạnh ứng dụng mô hình KTTH.
Xây dựng kế hoạch phát triển KTTH riêng hoặc lồng ghép việc thực hiện phát triển KTTH trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực hoặc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Ngoài ra, lĩnh vực này cũng rất cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tìm cơ hội tiếp cận tri thức, kỹ năng và nguồn lực phát triển thông qua các dự án thử nghiệm cụ thể, dự án về công nghệ, dịch vụ (công nghệ thông tin, môi trường...).
Phát triển KTTH cần được bắt đầu từ tư duy đúng, với các các mô hình sản xuất và các giải pháp, công nghệ tiên tiến, được thiết kế linh hoạt và sáng tạo, bảo đảm hài hòa lợi ích và cộng đồng trách nhiệm, phù hợp thực tiễn và xu hướng phát triển chung trên thế giới…
Bảo Lâm