Giải pháp thúc đẩy nền kinh tế số tại Việt Nam
Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế 4 nước CLMV: Đưa hợp tác 'kinh tế số' vào kế hoạch hành động
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chương trình phát triển kinh tế số của Liên bang Nga
Chính sách phát triển nền kinh tế số của Pháp và một số gợi mở cho Việt Nam
Từ khi đổi mới (1986) đến nay, Việt Nam đã phát triển nhanh chóng và toàn diện, với tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 6,7%; đồng thời đã cam kết mở cửa thương mại quốc tế, cải cách việc sử dụng đất và sản xuất nông nghiệp, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và phát triển sản xuất. Đầu tư công vào cơ sở hạ tầng, phổ cập giáo dục và y tế đã giúp hơn 40 triệu người dân Việt Nam thoát khỏi đói nghèo và trở thành tầng lớp trung lưu, góp phần thúc đẩy tiêu dùng trong nước và phát triển mạnh kinh tế vùng.
Với tư cách là quốc gia đạt được mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2010, sau đó tiếp tục đạt được tốc độ tăng trưởng cao, chỉ đứng sau Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm kể từ năm 2010, Việt Nam đang tìm hướng phát triển để có thể đạt được mức thu nhập cao trong vòng 20-25 năm tới. Tuy nhiên, kinh nghiệm của nhiều quốc gia thu nhập trung bình cho thấy, con đường để đạt mức thu nhập cao rất khó. Một số ý kiến cho rằng, nhiều nước bị mắc kẹt vào “bẫy thu nhập trung bình” hoặc chững lại khoảng 20-40 năm ở mức thu nhập trung bình và chậm tiến đến mức thu nhập cao.
Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình cùng thời điểm với sự phát triển toàn cầu của một loạt các công nghệ kỹ thuật số: trí tuệ nhân tạo (AI), các dịch vụ dựa trên nền tảng đám mây, các hệ thống dựa trên blockchain, thực tế tăng cường và thực tế ảo (AR-VR), in 3D, robot và tự động hoá... trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Không chỉ giúp rút ngắn hoặc tạo ra bước nhảy vọt cho những phương pháp sản xuất hiện có; trong nhiều trường hợp, những xu hướng công nghệ nêu trên đem lại cho các quốc gia đang phát triển cơ hội gia nhập sâu rộng vào thị trường toàn cầu với chi phí thấp nhờ mang lại sự minh bạch cho sản phẩm xuất khẩu thông qua khả năng hỗ trợ truy xuất nguồn gốc của nguyên vật liệu và thực phẩm, thậm chí còn theo dõi cả quá trình thiết kế và sản xuất. Sự tăng trưởng nhanh của Việt Nam, khi kết hợp với những công cụ kỹ thuật số mới phục vụ tăng năng suất - cụ thể là năng suất yếu tố tổng hợp, sẽ tạo ra cơ hội lớn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội nếu được quản lý tốt.
Theo báo cáo Tương lai nền kinh tế số Việt Nam, nếu Việt Nam phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ số của các nước khác vào phát triển kinh tế (công nghệ ứng dụng chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài), đến năm 2045 nền kinh tế Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 103 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu Việt Nam đầu tư vào phát triển công nghệ, thì đến năm 2045, chỉ riêng tăng trưởng của các ngành công nghệ số sẽ giúp nền kinh tế tăng thêm khoảng 66 tỷ USD nữa (nâng tác động của kỹ thuật số với nền sản xuất của Việt Nam lên gần 170 tỷ USD vào năm 2045).
Mặc dù mô hình kinh tế lượng trên chưa tính đến chi phí đầu tư cho phát triển hay ứng dụng công nghệ số, nhưng những con số đó cũng cho thấy, với mức phát triển như hiện tại, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng nhiều hơn thông qua việc ứng dụng các công nghệ sẵn có, thay vì đầu tư phát triển công nghệ mới. Công nghệ kỹ thuật số có thể làm thay đổi các chiến lược phát triển, thông qua việc thay đổi khả năng tiếp cận và “bắt kịp” để thực hiện đổi mới sáng tạo.
Ảnh minh hoạ
Tuy nhiên, các nghiên cứu trước đây về các nền kinh tế có hiệu suất cao đã chỉ ra rằng, đến một thời điểm, tại đó chiến lược “bắt kịp” công nghệ không đủ để tăng năng suất và duy trì mức tăng trưởng cao, yêu cầu các quốc gia phải chú trọng nhiều hơn vào đầu tư cho sáng tạo và phát triển công nghệ. Chính sự phát triển công nghệ theo hướng này sẽ thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm thâm dụng tri thức và trở thành một nền kinh tế tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo.
Theo phân tích trên, Việt Nam cần có sự thay đổi trong chiến lược kinh tế hiện tại để tập trung vào tăng trưởng năng suất yếu tố tổng hợp ở tất cả các ngành thông qua việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ. Điều này đã và đang được tiến hành với các chính sách tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và các hành động cụ thể khác đang được xây dựng. Tuy nhiên, sẽ cần phải có một bước chuyển đổi về mặt chiến lược, ở một thời điểm phù hợp khác, khi Việt Nam tiếp cận gần hơn “ngưỡng công nghệ” thì cần thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, khởi nghiệp và tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia để trở thành một nền kinh tế đi đầu về đổi mới sáng tạo - một nhà phát triển công nghệ.
Trong báo cáo Tương lai nền kinh tế số Việt Nam, bên cạnh lộ trình được xây dựng, các chuyên gia còn đưa ra một số khuyến nghị. Một là, trong khi Việt Nam đang ở giai đoạn đầu, có mức thu nhập trung bình và thấp, chi tiêu Chính phủ nên tập trung ưu tiên vào cơ sở hạ tầng hỗ trợ diện rộng như mạng kỹ thuật số và hệ thống cung cấp năng lượng bền vững, an toàn.
Cơ sở hạ tầng này sẽ cung cấp năng lực trên diện quốc gia cho việc ứng dụng và triển khai công nghệ, đồng thời cũng là con đường để trả nợ ngay lập tức nhờ tạo ra nguồn thu trong ngắn hạn. Bảo đảm an ninh cho các mạng kỹ thuật số được liệt kê là ưu tiên thứ hai trong lộ trình. Điều này được thực hiện thông qua việc áp dụng và phát triển năng lực, chuyên môn về an ninh mạng từ các nền kinh tế tiên tiến hơn.
Hai là, đầu tư vào các kỹ năng số diện rộng, thông qua các trường đại học, cao đẳng và ứng dụng giáo dục từ xa thông qua nền tảng giáo dục số sẽ có tác dụng đồng thời với hiệu quả đầu tư vào băng thông rộng và các mạng khác, hỗ trợ cho thay đổi mang tính công bằng. Hiện đại hóa chính phủ điện tử thông qua đổi mới kỹ thuật số vừa cung cấp công việc, phát triển kỹ năng đầu tư trong lĩnh vực kỹ thuật số Việt Nam, vừa tạo ra hiệu quả ngay lập tức, giúp giảm thiểu chi phí trong việc cung cấp các dịch vụ từ chính phủ. Tài sản trí tuệ được phát triển cho các dịch vụ chính phủ điện tử hiện đại sử dụng AI, blockchain, robot... có thể được thương mại hóa thông qua các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ để xuất khẩu.
Ba là, lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số được coi là con đường ngắn nhất để Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao, vượt ra khỏi trạng thái thu nhập trung bình thấp và tiến tới mức thu nhập cao. Những đặc tính như trẻ, linh hoạt và các công ty với các doanh nhân được đào tạo trình độ cao đi lên từ các cộng đồng khởi nghiệp trên toàn cầu là yếu tố quan trọng để phát triển một nền kinh tế đổi mới hàng đầu. Những đặc điểm này cũng sẽ đưa đất nước vượt ra khỏi giai đoạn ứng dụng công nghệ.
Bốn là, tại thời điểm này, việc thu hút và giữ chân các doanh nhân cùng những nhà sáng tạo kỹ thuật số đòi hỏi sự phát triển của các nền văn hóa cởi mở về chính trị và tự do biểu đạt. Đồng thời, cũng cần phải phát triển đời sống đô thị và các môi trường khác lành mạnh và hấp dẫn về mặt văn hóa đối với tầng lớp sáng tạo toàn cầu.
Năm là, những bước cuối cùng trong lộ trình báo hiệu sự chuyển đổi sang nền kinh tế dựa vào đổi mới sẽ đưa Việt Nam đến vị thế quốc gia có thu nhập cao. Những bước này bao gồm cải cách pháp lý trên diện rộng và các hành động thực hiện đầu tư để xây dựng hệ thống nghiên cứu và phát triển, mạng lưới đổi mới sáng tạo quốc gia, bao gồm việc tạo ra quy trình đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đáng tin cậy. Điều này sẽ hỗ trợ các công ty khởi nghiệp công nghệ và cho phép tạo ra sự thịnh vượng thông qua xuất khẩu dựa trên tri thức.
Bảo Lâm