Kiểm soát chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp
Xử lý nhiều cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp quá hạn sử dụng
Hà Nội: 65 công ty và 988 cửa hàng sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp được kiểm tra
Xử phạt hơn 3.000 cơ sở kinh doanh về chất lượng vật tư nông nghiệp, nông lâm thủy sản
Phát hiện hàng loạt vụ việc vi phạm
Tại Hà Nội, theo thống kê từ Sở NN&PTNT Hà Nội, từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã kiểm tra khoảng 20 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật; phát hiện và xử lý 4 cơ sở vi phạm các quy định của pháp luật, xử phạt với số tiền là 58 triệu đồng. Hiện các đơn vị chức năng đang tăng cường kiểm tra các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp, ngăn chặn vi phạm, góp phần ổn định thị trường, bảo đảm sản xuất vụ đông xuân.
Còn tại Kiên Giang, theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, qua việc thanh tra, kiểm tra hơn 700 cơ sở kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp, cơ quan chức năng đã phát hiện 61 cơ sở trên địa bàn tỉnh kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng… Đặc biệt, mỗi vụ sản xuất lúa, Kiên Giang có nhu cầu rất lớn về giống (khoảng 33.600 tấn) nhưng đã có hiện tượng giống đóng bao bì không có nhãn mác cung ứng từ các đại lý tới tay người nông dân. Thực tế, có nhiều giống lúa "dởm", chất lượng thấp bán trên thị trường đã gây thiệt hại cho nông dân.
Cũng về vấn đề này, Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho biết, đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện hơn 100 vụ vi phạm các quy định pháp luật trong kinh doanh, sản xuất vật tư nông nghiệp, chiếm tỷ lệ cao nhất là mặt hàng phân bón.
Về nguyên nhân dẫn tới tình trạng nêu trên, theo ông Nguyễn Trường Sơn, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT là do công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp, nhất là cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ tuân thủ các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm chưa thật sự hiệu quả. Nhiều địa phương chưa xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp.
Cơ quan chức năng kiểm tra vật tư nông nghiệp lưu thông trên thị trường. Ảnh minh họa
Từ góc độ địa phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, thành phố hiện có 17.709 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp nhưng chủ yếu nhỏ lẻ, nằm trong khu dân cư, thậm chí có những cơ sở chỉ kinh doanh theo thời vụ, gây khó khăn cho công tác quản lý; vấn nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn chưa được ngăn chặn triệt để... Trong khi đó, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, trong đó giá lúa giống hiện đã lên tới 15.000 đồng/kg; giá thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón tăng 30-40% so với cùng kỳ năm trước...
Cần siết chặt việc kiểm tra chất lượng
Để từng bước kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp khi đưa vào sử dụng, tạo ra các mặt hàng nông sản, thực phẩm an toàn và không gây ô nhiễm môi trường, đại diện Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam cho hay, công ty hoàn toàn có thể cung cấp các loại giống đạt tiêu chuẩn, đáp ứng được nhu cầu sản xuất của nông dân. Song, cơ quan chức năng cần tuyên truyền, vận động người dân sử dụng các loại cây giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Theo Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Lê Quốc Doanh, để khắc phục tình trạng vi phạm chất lượng vật tư nông nghiệp, các địa phương cần giảm bớt việc thanh tra theo kế hoạch, tăng cường kiểm tra đột xuất nhằm tránh tình trạng các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp đối phó, từ đó sớm phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm việc kinh doanh vật tư nông nghiệp không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức sản xuất các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Mặt khác là nhân rộng các chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc. Trước mắt, việc cần làm ngay là phải loại bỏ các loại vật tư nông nghiệp kém chất lượng, không an toàn ra khỏi danh mục được phép sử dụng.
Bảo An (t/h)