Làm gì để phòng tránh ngộ độc thuốc diệt chuột, thuốc diệt cỏ?
Tác hại từ thuốc diệt cỏ không rõ nguồn gốc
Nguy cơ gây ung thư, Quốc hội Áo ủng hộ lệnh cấm thuốc diệt cỏ glyphosate
Bồi thường 80 triệu USD do trong thuốc diệt cỏ có chất gây ung thư
Những ngày cuối tháng 3/2022, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) tiếp nhận cấp cứu và điều trị cho hai trường hợp bệnh nhân ngộ độc thuốc diệt cỏ và thuốc diệt chuột. Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân N.T.T. (nữ, 19 tuổi, trú tại Hải Hà, Quảng Ninh) được chuyển tuyến cấp cứu tại Bệnh viện Bãi Cháy ngày 28/3 trong tình trạng buồn nôn, nôn nhiều sau khi uống khoảng 40ml thuốc diệt cỏ Trung Quốc có thành phần diquat 25%.
Các bác sĩ đã xử trí lọc máu hấp phụ bằng quả lọc, bù dịch điện giải, lợi tiểu, nhuận tràng, dinh dưỡng. Sau giờ thứ 8, bệnh nhân xuất hiện tình trạng suy thận, đau rát họng, tiếp tục được điều trị theo triệu chứng, giảm đau, chống suy thận, tiên lượng dè dặt.
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân T.V.Q. (nam, 37 tuổi, trú tại Hạ Long, Quảng Ninh) cấp cứu tại bệnh viện với tình trạng nôn, mệt nhiều, huyết áp tụt, co giật tứ chi sau khi uống 4 ống thuốc diệt chuột màu hồng có thành phần Fluorocetat. Bệnh nhân được các bác sĩ rửa dạ dày, bơm than hoạt, truyền dịch, thải độc bằng bài niệu tích cực, chống co giật. Hiện tại, bệnh nhân qua cơn nguy kịch, tỉnh táo và tiếp tục được theo dõi tình trạng bệnh.
Bệnh nhân ngộ độc thuốc diệt cỏ diquat tại Bệnh viện Bãi Cháy. Ảnh: BVCC
Bác sĩ Lê Tiến Dũng, Khoa Hồi sức tích cực cho biết: Thuốc trừ cỏ diquat là hóa chất diệt cỏ cực độc, tương tự như độc tố của paraquat. Chất độc này khi vào cơ thể sẽ ngấm vào các mô, gây tổn thương đa nội tạng. Người bệnh có thể bị suy hô hấp nghiêm trọng dẫn đến khó thở, ho ra máu, trụy tim, xơ phổi, tổn thương gan, suy thận, thần kinh co giật, hệ tiêu hóa bị phá hủy... Đa số trường hợp bệnh nhân hôn mê, tử vong ngay sau khi uống với một lượng nhỏ.
Còn ngộ độc thuốc diệt chuột có thành phần fluoroacetate có thể gây ức chế chu trình Krebs, ức chế hô hấp tế bào, mất dự trữ năng lượng và làm chết tế bào. Thuốc diệt chuột khi vào cơ thể sẽ đầu độc hệ thần kinh gây triệu chứng đau đầu, suy giảm tri giác, co giật, liệt cơ, thậm chí hôn mê; rối loạn nhịp tim, rối loạn huyết động; suy thận cấp; tác động đến hệ tiêu hóa gây đau bụng, buồn nôn và nôn kèm các biểu hiện của tiêu cơ vân cấp, suy hô hấp do co giật, sặc...
Mỗi năm, Bệnh viện Bãi Cháy tiếp nhận điều trị cho khoảng 50 người bệnh với đa dạng bệnh lý ngộ độc do thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc diệt chuột, ngộ độc thức ăn, ethanol, paracetamol, thuốc hạ áp… Trong đó, 10% bệnh nhân ngộ độc thuốc diệt cỏ paraquat, diquat có tỷ lệ tử vong cao. Nếu bệnh nhân may mắn được cứu sống, chi phí điều trị là rất lớn, di chứng về các bệnh nội tạng sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống và tuổi thọ.
Nhiều trường hợp ngộ độc thuốc diệt chuột, diệt cỏ ở người lớn đến từ mâu thuẫn gia đình, tình yêu, áp lực, stress trong cuộc sống… dẫn đến hành động uống thuốc diệt chuột, diệt cỏ tự tử, hậu quả tử vong thương tâm. Đáng lưu ý các trường hợp ngộ độc ở trẻ nhỏ thường xảy ra do uống nhầm.
Thuốc diệt cỏ chứa thành phần diquat. Ảnh: BVCC
Để tránh các trường hợp ngộ độc thuốc diệt chuột, diệt cỏ đáng tiếc xảy ra, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy khuyến cáo người dân nên mua, sử dụng thuốc diệt cỏ, diệt chuột đúng mục đích, bảo quản kỹ lưỡng ở nơi kín đáo, an toàn, xa tầm tay trẻ nhỏ. Đặc biệt, không dùng chai đựng nước, chai bia, nước ngọt để đựng các chất độc này vì rất dễ nhầm đem ra uống.
Người trẻ cần sinh hoạt điều độ, lựa chọn lối sống tích cực, cân bằng giữa học tập, lao động và vui chơi giải trí, tránh tâm lý căng thẳng, stress dẫn đến hành vi tự tử… Khi phát hiện người uống thuốc diệt cỏ, diệt chuột, cần nhanh chóng đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ có thể dùng các biện pháp thải độc như rửa dạ dày, dùng than hoạt tính, lọc máu hấp phụ để đào thải bớt thuốc ra ngoài.
Bảo Lâm