Loạt nhà máy sản xuất giày đóng cửa do dịch bệnh Covid-19

author 15:37 15/09/2021

(VietQ.vn) - Dịch bệnh Covid-19 và những diễn biến phức tạp của nó đã khiến nhiều nhà máy sản xuất giày của các thương hiệu nổi tiếng phải ngừng sản xuất.

Theo Bloomberg, trong những tuần vừa qua, một số nhà cung cấp của các “gã khổng lồ” toàn cầu như Nike Inc. và Adidas AG đã thông báo tạm dừng hoạt động các nhà máy tại Việt Nam sau khi Chính phủ ban hành các biện pháp hạn chế ngăn chặn sự bùng phát của dịch Covid-19.

Tại một số nơi khác như các nhà máy của Toyota Motor Corp tại Thái Lan cũng đang phải thu hẹp quy mô do nhiều quốc gia trong khu vực chứng kiến số ca nhiễm mới và tử vong tăng cao kỷ lục.

Deborah Elms - Giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại Châu Á có trụ sở tại Singapore cho biết, tình hình vẫn sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi có những diễn biến mới khả quan so với việc ngừng hoạt động và lực lượng nhân công bị sụt giảm ngày càng tăng ở châu Á.

Nike, Adidas gặp khó khăn vì các nhà máy tại Việt Nam đóng cửa. Ảnh: Straits Times

 

 

Thương mại hàng hóa vốn là tấm đệm giảm xóc hiếm hoi của nền kinh tế toàn cầu trong thời kỳ dịch bệnh, đặc biệt là đối với các nước châu Á phụ thuộc lớn vào xuất khẩu.

Tuy nhiên, các báo cáo kinh tế cho thấy, những “tấm đệm” này đang dần bị lung lay. Sự xuất hiện của biến thể virus Delta đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến Đông Nam Á, xóa bỏ nỗ lực phòng chống dịch tốt của các quốc gia này. Ngoài ra, đại dịch bùng phát nặng nề đặt nhiều gánh nặng lên giới chức các nước khi vừa phải cân bằng giữa việc tổ chức tiêm chủng, hạn chế di chuyển, vừa phải giữ nền kinh tế đất nước phát triển.

Trên thực tế, kể từ tháng 7, các nhà máy tại Việt Nam, nơi cung cấp giày dép lớn thứ hai cho Mỹ sau Trung Quốc, đã phải ngừng hoạt động do các vấn đề liên quan đến đại dịch COVID-19. Việc đóng cửa diễn ra trong 9 tuần là vấn đề đối với các thương hiệu giày thể thao và quần áo phụ thuộc vào hoạt động cung ứng trong khu vực. 

Theo ghi nhận gần đây từ nhà phân tích Camilo Lyon của BTIG, Nike, Under Armour, Adidas và Deckers Outdoor's Hoka, thời điểm mùa mua sắm nghỉ lễ sắp đến, các thương hiệu này có khả năng chịu ảnh hưởng lớn nhất từ việc ngừng hoạt động tại Việt Nam.

Theo Footwear News, nhà phân tích Camilo Lyon của BTIG cho biết đây là những nhà sản xuất quần áo và giày dép thể thao chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ tác động của dịch Covid-19 tại Việt Nam. Trong khi tình hình còn nhiều thay đổi, có khả năng ngành sản xuất giày thể thao tại Việt Nam đối mặt nguy cơ bị hủy đơn hàng giai đoạn đầu năm 2022. Tính đến trước năm ngoái, Việt Nam chiếm 51% sản lượng giày của Nike và 30% sản lượng quần áo thể thao của các thương hiệu khác. Tuy nhiên, gần hai tháng qua, hoạt động sản xuất giày dép của Nike trong khu vực bị đóng băng.

Ngành sản xuất giày thể thao và quần áo đều chịu ảnh hưởng từ việc ngừng hoạt động, sự phức tạp và tính chuyên môn của đội ngũ nhân viên sản xuất giày dép thể thao khiến ngành này gặp nhiều khó khăn hơn so với ngành may mặc. Mặc dù vậy, các nhà máy ở Việt Nam có thể sẽ sớm hoạt động trở lại sau quãng thời gian giãn cách xã hội. BTIG dự đoán hoạt động sản xuất sẽ quay trở lại mức 50% năng lực vào cuối năm nay và 100% trong năm 2022.

Không chỉ trong lĩnh vực sản xuất giày gặp khó khăn, nhiều ngành nghề khác cũng phải đương đầu với những thách thức trong những tháng cuối năm 2021. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giày da và Túi xách Việt Nam cho biết, hơn 90% trong tổng số 800 công ty thành viên tại phía Nam Việt Nam đang phải tạm dừng hoạt động sản xuất. “Hầu hết nhà máy cung cấp cho Nike và Adidas tại Việt Nam đều đang bị chặn đầu ra”, bà Xuân chia sẻ. 

Bà Xuân cho hay, Hiệp hội đang đề nghị Chính phủ xem xét dỡ bỏ các hạn chế về thời gian làm thêm giờ để các nhà máy có thể bù đắp năng suất đã mất khi họ mở cửa trở lại.

“Sức khỏe và sự an toàn của các nhân viên cũng như nhà cung cấp, vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi” - Nike cho biết trong một tuyên bố qua email.

“Chúng tôi tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp của mình để hỗ trợ những nỗ lực của họ nhằm đối phó với dịch bệnh. Các ngành công nghiệp khác ngoài giày dép cũng đang bắt đầu gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất.

Nhà máy tại Việt Nam của nhà sản xuất mô tô Nidec Corp đã nối lại hoạt động sản xuất tại TP.HCM sau khi tạm ngừng hoạt động, nhưng với chưa đến 10% trong tổng số 6.000 nhân viên của công ty. Trong khi đó, Prosperous Industrial Holdings Ltd. đã thông báo trong một hồ sơ trao đổi tại Hồng Kông (Trung Quốc) rằng việc sản xuất túi và bao bì của họ tại Việt Nam sẽ ngừng hoạt động từ ngày 22/ 7 đến 8/8.

Bên cạnh đó, Toyota có kế hoạch đóng cửa ba nhà máy ở Thái Lan trong một tuần. Nguyên nhân được đưa ra là vì sự gia tăng các ca nhiễm mới đã ảnh hưởng đến hoạt động mua sắm phụ tùng. Các quốc gia châu Á khác đã báo cáo xuất khẩu bùng nổ khi đợt bùng phát dịch mới nhất bắt đầu tăng tốc. Hàn Quốc và Đài Loan đã được hưởng lợi từ nhu cầu toàn cầu về chất bán dẫn tăng vọt, gần đây đều có mức tăng xuất khẩu hai con số so với cùng kỳ năm ngoái. Vào hôm 23/7, Thái Lan công bố sản lượng xuất khẩu tháng 6 tăng mạnh nhất trong hơn một thập kỷ, mặc dù các quan chức cảnh báo việc đóng cửa nhà máy có thể sớm làm gián đoạn các chuyến hàng.

Diệu Hương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang