Đảm bảo an toàn thực phẩm mùa mưa bão

author 07:29 16/07/2014

(VietQ.vn) - Dự trữ thực phẩm có thời gian bảo quản lâu dài, chuẩn bị nước uống đun sôi và đảm bảo về chế độ dinh dưỡng cũng như an toàn thực phẩm trong mùa mưa bão.

Dự trữ thực phẩm có thời gian bảo quản dài

Chuẩn bị trước các thực phẩm có thời gian bảo quản lâu dài, ít hoặc không cần nấu chín, làm lạnh, đáp ứng các hạn chế về ăn uống dành cho tất cả thành viên gia đình, và không quá mặn hoặc cay vì điều này có thể làm khát thêm và gây thiếu nước. Bạn cần dự trữ sẵn nguồn thực phẩm và nước tối thiểu cho 3 ngày, tuy nhiên khuyến nghị nguồn dự trữ cho 7 ngày. Đảm bảo rằng thường xuyên kiểm tra hạn sử dụng và thay thế thực phẩm mà gần hết hạn.

Ngoài ra, bạn cần dự trữ các vật dụng sau để chuẩn bị thực phẩm trong trường hợp khẩn cấp: đồ dùng nấu ăn, đồ dùng ăn uống, đĩa giấy, cốc giấy, khăn giấy, dụng cụ mở đồ hộp, hoặc bếp lò khi cắm trại.

Đồ hộp là loại thực phẩm thích hợp trong mùa mưa bão

Đồ hộp là loại thực phẩm thích hợp trong mùa mưa bão. Ảnh minh hoạ

Bạn nên chuẩn bị trước một số các mặt hàng phổ biến trong mùa mưa bão như: gạo, mặt hàng thực phẩm đóng hộp như cá hộp, thịt hộp, trứng gia cầm, cá khô lương khô, mỳ ăn liền, nước uống đóng chai, muối I-ốt và các loại dầu ăn dự trữ đề phòng trường hợp “cháy” hàng hoặc giá cả tang cao.

Bên cạnh đó, trong khi ngập lụt, các loại lương thực thực phẩm rất dễ bị hư hỏng hoặc ô nhiễm và gây bệnh, vì vậy công tác vệ sinh an toàn thực phẩm cân đặc biệt quan tâm. Tốt nhất là sử dụng các loại mì ăn liền đóng gói, thức ăn đóng hộp, nước uống đóng chai còn nguyên vẹn, nước dùng cho ăn uống phải được khử trùng và đun sôi…

Vệ sinh an toàn thực phẩm trong mùa mưa bão

Vệ sinh an toàn thực phẩm trong mùa mưa bão. Ảnh minh họa

Bảo đảm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm trong mùa mưa bão

Do ở những vùng bị thiên tai, lũ lụt nguồn lương thực - thực phẩm bị thiếu hụt, cuộc sống rất khó khăn nên việc tổ chức bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm trong và sau bão lụt giúp người dân có sức khỏe phòng tránh bệnh tật là điều vô cùng cần thiết. Do vậy, theo khuyến cáo của Cục An Toàn Thực Phẩm - Bộ y Tế, yêu cầu bữa ăn gia đình phải đảm bảo được các yếu tố sau:

Ăn no (đủ năng lượng): Việc có đủ thực phẩm để ăn no trong các vùng lũ lụt là điều rất khó khăn, có thể sử dụng nhiều loại thực phẩm trong nhóm lương thực và các sản phẩm chế biến từ nhóm này như gạo, mì, ngô, khoai, sắn, mì tôm, bánh đa khô...

Ăn đủ dinh dưỡng: Có đủ đại diện của 4 nhóm thực phẩm:

Nhóm lương thực: Gạo, mì, ngô, khoai, sắn, mì tôm, bánh đa khô, bánh mì.... Ngoài gạo còn có các loại lương thực khác như khoai, củ; Khoai cũng có nhiều loại (khoai lang, khoai môn, khoai nước, khoai sọ, khoai tây); Củ cũng đa dạng (củ sắn, củ dong, củ từ, củ mỡ....). Các loại ngô và khoai củ có thể nấu ăn riêng hoặc trộn với gạo nấu cơm.

Nhóm chất đạm: Thịt, trứng, cá, tôm, cua, trai, ốc, đậu đỗ, vừng lạc.... Có thể tận dụng các thực phẩm dễ kiếm từ nguồn ao, hồ, sông, đồng ngập nước (cá, tôm, lươn, ốc, ếch...). Vừa khai thác tiềm năng thiên nhiên này vừa khẩn trương phát triển nuôi trồng thủy sản ngay sau lũ rút để tạo ra sản phẩm cải thiện bữa ăn và phát triển kinh tế.

Nhóm chất béo: Gia đình nào có mỡ thì dùng mỡ; có dầu thì dùng dầu, ngoài ra có thể dùng đậu phụ, sữa đậu nành, vừng, lạc là những thức ăn giàu chất béo.

Nhóm vitamin và chất khoáng: Rau xanh, quả chín là nguồn cung cấp chủ yếu vitamin và chất khoáng trong bữa ăn. Nên tận dụng các loại rau, củ quả có thể kiếm được ở địa phương. Rau gồm đủ loại (rau lá, rau củ, rau quả). Rau lá xanh có nhiều vitamin C, Beta caroten và có nhiều loại như: rau muống, rau bí, rau diếp, xà lách, rau đay, rau dền, rau mồng tơi, rau lang, rau ngót, rau cần. Rau ngót và rau muống là nững loại rất dễ trồng. Ngoài rau lá xanh còn các loại bầu, bí, mướp; các loại cà (cà bát, cà pháo, cà tím, cà chua); các loại cải (cải bắp, cải cúc, cải sen, cải thìa; các loại củ làm rau (củ cải trắng, củ cải đỏ, củ đạu, củ niễng, củ cà rốt); các loại quả làm rau (đu đủ xanh, chuối xanh, khế, dưa chuột, dưa gang, đậu cô ve, đậu ván, đậu rồng, đậu vàng, đậu xanh); các loại măng (măng chua, măng nứa, măng tre, măng vầu, măng đắng); các loại rau gia vị (hành, hẹ, rau húng, rau thơm, rau mùi, kinh giới, tía tô, thìa là, rau dăm, giềng, nghệ, gừng, tỏi...).

Ăn đa đạng: Nên phối hợp nhiều loại thực phẩm, trong điều kiện có thể nên phối hợp từ 10-15 loại, bao gồm đại diện của 4 nhóm.

Ăn tiết kiệm: Người nấu ăn cần biết chọn thực phẩm an toàn, giàu dinh dưỡng, giá thành hạ, phối hợp đa dạng thực phẩm, tính toán nấu sao cho sát không để thừa.

Dự trữ thực phẩm tươi sạch trong mùa mưa bão

Dự trữ thực phẩm tươi sạch, không ôi thiu trong mùa mưa bão. Ảnh minh hoạ

Đảm bảo an toàn thực phẩm: Thức ăn phải an toàn, không bị nhiễm chất độc, không bị nhiễm giun hay nhiễm khuẩn, không được là nguồn gây bệnh. Ăn uống mất vệ sinh sẽ sinh bệnh, nên trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả khi thiếu thốn, khó khăn cũng phải đảm bảo an toàn vệ sinh.

Thu Hường (Tổng hợp)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang