Năm 2022: Tạo dựng nền tảng cho phát triển kinh tế trung và dài hạn

author 05:30 09/02/2022

(VietQ.vn) - Năm 2022 có ý nghĩa quan trọng, không chỉ phải vượt qua những khó khăn, thách thức trong ngắn hạn, mà còn phải tạo dựng được nền tảng cho phát triển của nền kinh tế - xã hội trong trung và dài hạn.

Những “điểm sáng” cơ bản năm cũ

Năm 2021, đất nước gặp vô vàn khó khăn, thách thức do dịch Covid-19. Tuy nhiên, thực hiện phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch bệnh nên dù trong bối cảnh khó khăn đó, nền kinh tế Việt Nam vẫn có những “điểm sáng” rất cơ bản.

Trong đó, kinh tế vĩ mô ổn định với tăng trưởng đạt mức 2,58%, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp: 1,84%; thương mại hàng hoá tăng cao với tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu tăng 22,6%, đạt 668,5 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay, trong đó xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 48,6 tỷ USD.

Cán cân thương mại thặng dư với xuất siêu đạt 4 tỷ USD; đầu tư nước ngoài phục hồi với mức tăng trên 9%. Chính trị, xã hội ổn định; an sinh xã hội được đảm bảo; quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường; công tác đối ngoại đạt được nhiều kết quả tích cực; uy tín, vị thế của nước ta tiếp tục được nâng cao trên trường quốc tế…

Tạo dựng nền tảng phát triển trong năm mới

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, nhằm tạo dựng nền tảng cho phát triển kinh tế trung và dài hạn. Ảnh minh họa.

Bước sang năm 2022, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, năm nay có ý nghĩa quan trọng, không chỉ phải vượt qua những khó khăn, thách thức trong ngắn hạn, mà còn phải tạo dựng được nền tảng cho phát triển của nền kinh tế - xã hội trong trung và dài hạn.

Mới đây nhất, tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa 15 đã thông qua Nghị quyết hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với gói chính sách tài khóa, tiền tệ lớn nhất từ trước tới nay, gần 350.000 tỷ đồng.

Mục tiêu của chương trình nhằm phát triển nhanh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng GDP 5 năm tới bình quân 6,5-7% một năm, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép và các cân đối lớn vĩ mô được đảm bảo. Đối tượng được hỗ trợ là người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển cho nền kinh tế.

Các chính sách hỗ trợ sẽ được thực hiện trong 2 năm (2022-2023), một số chính sách có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực tuỳ diễn biến của dịch bệnh.

Trong đó, Nghị quyết đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, cụ thể như sau: Trước tiên là mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; Đảm bảo an sinh xã hội, việc làm; Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vào các dự án quan trọng, cấp thiết, có tính lan toả lớn và giải ngân nhanh, hấp thụ ngay vào nền kinh tế. Cuối cùng là, cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam có phản ứng chính sách rất nhanh, đó là tất cả các chính sách về giải ngân đầu tư công, gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tất cả đều đưa ra rất nhanh nhưng vấn đề thực hiện rất chậm. Do đó doanh nghiệp hy vọng Chương trình phục hồi kinh tế vừa mới đưa ra sẽ được thực hiện nhanh chóng, quyết liệt.

Chúng ta cũng cần rút kinh nghiệm từ gói kích cầu 2008-2009, với quy mô lên tới 122.000 tỷ đồng đã giúp Việt Nam vượt qua khủng hoảng kinh tế khi đó. Tuy nhiên, việc triển khai gói hỗ trợ đã tạo ra hệ lụy cho sự phát triển bền vững vì việc thực hiện thiếu đồng bộ, thiếu giám sát, dẫn tới thất thoát, tiêu cực, thậm chí không đến đúng đối tượng mà chảy vào đầu cơ bất động sản, chứng khoán, ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô. Vì vậy, cần tăng cường giám sát chương trình kích cầu phục hồi kinh tế theo phương châm từ xa, từ sớm, khoa học và toàn diện.

Thanh Tùng

 

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:kinh tế, năm 2022

tin liên quan

video hot

Về đầu trang