Nản vì liên tục phải test Covid-19, nhiều lái xe đường dài bỏ việc

author 18:26 18/09/2021

(VietQ.vn) -Lái xe đến cửa khẩu quốc tế Móng Cái giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu với Trung Quốc phải xét nghiệm đến ba lần, đi 18 km là thêm một lần xét nghiệm. Đến Hải Phòng thì mặc dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, lái xe vẫn phải test PCR, được 1 ngày… Quá nản vì phải test Covid-19 liên tục, hàng loạt lái xe đường dài đã bỏ việc.

Doanh nghiệp logistics hiện đang như ngồi trên đống lửa do lo thiếu lái xe đường dài chở hàng hóa, nguyên nhân từ việc hàng loạt lái xe đã bỏ việc vì không chịu nổi việc phải test Covid liên tục và quá nhiều.

Giám đốc một doanh nghiệp logistics cho biết, việc vận chuyển hàng hóa để xuất khẩu giờ quá gian nan. Ngoài suất ăn bình thường, công ty còn chuẩn bị bánh chưng, bánh mì, xúc xích, chà bông... cho lái xe đi đường. Có tài xế mang cả bếp gas theo để nấu cơm vì dọc đường đi không có hàng bán và xe cũng không được dừng. Tại các trạm dừng thì xe bị niêm phong, lái xe không đi vệ sinh được, đành phải đi trên xe. Nên mặc dù công ty o bế lái xe đường dài như trứng, nhưng vẫn nhiều người bỏ việc- vị giám đốc doanh nghiệp chia sẻ.

Lái xe vận chuyển hàng hóa đến cửa khẩu Móng Cái phải xét nghiệm đến 3 lần. Ảnh minh họa internet 

Mới đây, trong thư gửi Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ngày 17/9/2021, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam phản ánh xe ngoại tỉnh đến cửa khẩu quốc tế Móng Cái giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu với Trung Quốc thì lái xe phải xét nghiệm đến ba lần.

Lần thứ nhất, trước khi vào địa bàn tỉnh Quảng Ninh, phải trình kết quả xét nghiệm PCR ở tỉnh khác có giá trị trong 48 giờ tính từ giờ lấy mẫu. Lần thứ hai, trước khi vào địa phận thành phố Móng Cái, lái xe phải xét nghiệm nhanh kháng nguyên, sau đó niêm phong cabin để vào khu vực cửa khẩu. Lần thứ ba, lái xe phải xét nghiệm PCR và phải chờ đến khi có kết quả mới được ra khỏi khu vực cửa khẩu.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics, việc yêu cầu lái xe phải xét nghiệm đến ba lần cho cùng một chuyến hàng là quá nhiều, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp và lái xe cả về chi phí, vận hành và sức khỏe.

Đặc biệt, yêu cầu xét nghiệm lần thứ ba bằng phương pháp PCR trước khi lái xe được phép rời khu vực cửa khẩu Móng Cái khiến cho xe đã giao nhận hàng xong nhưng vẫn phải chờ đến tối muộn hoặc ngày hôm sau mới được rời đi, sau khi nhận được kết quả xét nghiệm Covid-19.

Bà Hoàng Ngọc Ánh- Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May (VITAS) cho biết, các doanh nghiệp phản ánh rất nhiều về việc lái xe sợ test quá nhiều, không chịu nổi.

Như ở Hải Phòng, lái xe tiêm 2 mũi vắc-xin vẫn phải test PCR thời gian trong 1 ngày, phí test là 750.000 đồng/lần. Đây là cách làm đi ngược lại Nghị quyết 105 và luận cứ khoa học- bà Hoàng Ngọc Ánh cho hay.

Trong khi đó, PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung- Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết chỉ cần test 1 lần/tháng khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin.

Đáng chú ý, những quy định về xét nghiệm đã làm phát sinh chi phí rất lớn cho doanh nghiệp. Giám đốc một doanh nghiệp logistic cho biết: Với khoảng 200.000 đồng/lần xét nghiệm kháng nguyên hoặc xét nghiệm bằng phương pháp PCR mẫu gộp có giá trị trong vòng 72 giờ thì chi phí xét nghiệm cho một lái xe vào khoảng 2.000.000 đồng/tháng, lớn hơn cả mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...

Với doanh nghiệp có đội xe khoảng 150 đầu xe, chi phí xét nghiệm lái xe đang ở mức 300 triệu đồng/tháng- vị giám đốc doanh nghiệp cho hay.

Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May cho biết, trong văn bản kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ đề xuất Chiến lược “Phòng chống dịch theo Điểm” nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới, 14 hiệp hội doanh nghiệp đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương bãi bỏ các hạn chế về vận tải hàng hóa giữa các vùng. Chỉ kiểm tra tại điểm đầu và điểm đến. Nếu đến từ các vùng có dịch, tuân thủ 5K + xét nghiệm âm tính trong 72 giờ + nguyên tắc “bong bóng” (không tiếp xúc). Các vùng khác chỉ cần 5K.

Hy vọng, những đề xuất của các hiệp hội ngành hàng sẽ được Thủ tướng chấp thuận, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang