Nên hay không hạn chế đầu tư nước ngoài trong công nghệ tài chính?
Công nghệ tài chính (Fintech): Cần khung tiêu chuẩn về sản phẩm, dịch vụ
Xu hướng Fintech và phương thức đầu tư trong thời đại 4.0
Theo ông Phùng Anh Tuấn - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà Đầu tư Tài chính - VAFI, Giám đốc Công ty Luật VCI Legal, hiện nay kinh tế số và Cách mạng công nghiệp 4.0 là xu hướng rất rõ có thể thấy qua truyền thông, báo chí. Cải cách thể chế, tháo gỡ những khó khăn từ cơ chế là "nhiệm vụ số một" để khuyến khích đầu tư kinh doanh lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó có công nghệ tài chính (Fintech) cũng như các ngành khác.
Cụ thể, về quy định đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực Fintech ở mức 30%, 40% và dưới 50% như dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt, ông Tuấn khẳng định nếu giới hạn đầu tư nước ngoài ở mức này sẽ rất khó có thể kêu gọi những nguồn vốn lớn hoặc là các nhà đầu tư, tổ chức chuyên nghiệp tham gia.
Lý giải quy định trên, theo ông Tuấn, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán dự kiến ở mức 30% (tương đương lĩnh vực ngân hàng) nhằm ổn định và an toàn trong chính sách tiền tệ của quốc gia, tránh sự thao túng của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như để đảm bảo chủ quyền quốc gia trong hoạt động ngân hàng tài chính, tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong nước nắm bắt cơ hội. Tuy nhiên, VAFI khẳng định hiện nay Fintech rất cần vốn đầu tư nước ngoài để phát triển, từ đầu tư cho công nghệ, thị trường cho đến nhân lực. "Do đó, việc hạn chế đầu tư nước ngoài sẽ kìm hãm sự phát triển của Fintech", ông Tuấn khẳng định.
Ngoài ra, cũng theo ông Tuấn, Chính phủ đã cho phép ngân hàng 100% vốn nước ngoài (chi nhánh) hoạt động và xem xét nới giới hạn cho các ngân hàng thương mại. "Vì vậy, không thể lấy hạn mức đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng hiện tại làm tiền lệ cho Fintech", ông Tuấn nói.
Bên cạnh đó, ông Ngô Văn Đức – Phó Trưởng phòng Giám sát các hệ thống thanh toán, Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong vài năm gần đây, hoạt động Fintech phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới, Việt Nam cũng nằm trong xu thế chung và có nhiều tiềm năng phát triển.
Tuy nhiên, vài năm qua, hoạt động Fintech phát triển ở Việt Nam nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện nay, theo thống kê không chính thức của Ngân hàng Nhà nước, có gần 150 doanh nghiệp Fintech đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chủ đạo là lĩnh vực thanh toán, có 30 tổ chức trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Ngoài ra, còn có các lĩnh vực khác như cho vay ngân hàng, cung cấp giải pháp ngân hàng như xác thực điện tử, ứng dụng blockchain, dịch vụ tài chính cá nhân…
Thanh Minh