Ngăn chặn các hoạt động đầu cơ, thao túng giá để trục lợi những tháng cuối năm

author 06:16 03/08/2021

(VietQ.vn) - Từ nay đến cuối năm, các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả, quản lý kê khai giá, niêm yết giá theo quy định pháp luật; ngăn chặn các hoạt động đầu cơ, thao túng giá, các hành động “tát nước theo mưa” để trục lợi.

Theo nhận định từ các chuyên gia, từ nay đến cuối năm, mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường, tuy nhiên giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm dự báo không có biến động lớn do nguồn cung dồi dào; giá gạo nhìn chung cơ bản ổn định, có thể tăng nhẹ trong thời điểm cuối năm do nhu cầu nhập khẩu của các thị trường chính vẫn duy trì ở mức cao…

Dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm 2021 vẫn trong tầm kiểm soát. Ảnh minh họa.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm 2021 vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ và theo đúng kịch bản điều hành giá đã đề ra nếu không có những yếu tố quá bất thường.

Theo ước tính của Bộ Tài chính, CPI mỗi tháng còn có dư địa tăng trên 1% so với tháng trước để đảm bảo mục tiêu kiểm soát dưới 4%. Mặc dù vậy vẫn còn tiềm ẩn rủi ro đối với kiểm soát lạm phát đến từ tình hình thế giới, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Điều này có thể tác động làm giá cả một số mặt hàng biến động cục bộ tại một số thời điểm ở địa phương bị ảnh hưởng.

Về những giải pháp nhằm thực hiện kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra, ông Nguyễn Anh Tuấn cho hay, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quản lý, điều hành giá một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động. Đồng thời, tập trung vào việc hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đối với diễn biến giá cả thị trường các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu trên thế giới và trong nước, Bộ đề nghị cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả để có biện pháp điều hành phù hợp. Bộ đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và có phương án điều tiết nguồn hàng để tăng lượng cung ứng cho các địa phương có dịch bệnh cần cách ly hoặc giãn cách xã hội, bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, lưu thông để chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường nhất là dịp cuối năm 2021. Các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả, quản lý kê khai giá, niêm yết giá theo quy định pháp luật; ngăn chặn các hoạt động đầu cơ, thao túng giá, các hành động “tát nước theo mưa” để trục lợi.

Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cước vận tải hàng hóa, nghiên cứu các giải pháp căn cơ nhằm giảm bớt các chi phí trong khâu logistics để có điều kiện giảm giá thành sản phẩm.

Việc điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai theo lộ trình thị trường cần đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và phù hợp với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Song song với đó là giữ ổn định chính sách tiền tệ, mặt bằng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát cơ bản, kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực nóng, tiềm ẩn nhiều rủi ro như: chứng khoán, bất động sản, điều tiết tạo sự ổn định cho thị trường bất động sản, không để xảy ra hiện tượng sốt giá, thổi giá…

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang