‘Nghịch lý’ của ngành mía đường

author 06:42 08/04/2021

(VietQ.vn) - Việc áp thuế chống bán phá giá chưa hợp lý sẽ khiến nhiều doanh nghiệp mía đường tại Việt Nam tăng cường nhập khẩu đường thô ở nước ngoài về sản xuất thay vì phát triển vùng nguyên liệu.

“Lao đao” trên sân nhà

Thời gian qua, mía đường là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam. Tầm quan trọng của ngành không chỉ thể hiện qua tổng sản phẩm đường sản xuất ra hàng năm, có vụ đạt trên 1,6 triệu tấn đường, tương đương trên 1 tỷ USD, mà còn về khía cạnh xã hội: mía đường là ngành kinh tế góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết công ăn việc làm cho lao động nông nghiệp, đặc biệt là đồng bào miền núi, vùng sâu vùng xa, kinh tế khó khăn.

Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng đường tại Việt Nam hiện tại bao gồm khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Trong chuỗi cung ứng này, khâu sản xuất và cung ứng mía nguyên liệu cho các nhà máy đường (NMĐ) chế biến có sự tham gia đông đảo của các nhóm cung, trong đó nhóm cung nông hộ (126.247 hộ, chiếm 71,3% lượng cung mía nguyên liệu trong vụ 2019/20) và nhóm nông trường (29 nông trường, chiếm 14,8% lượng cung mía nguyên liệu trong vụ 2019/20) là 2 nhóm cung mía nguyên liệu lớn nhất ở Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, giá đường, giá mía trong nước bắt đầu sụt giảm từ vụ 2017-2018, sau 3 vụ ở mức cao. Nguyên nhân chính là bởi nguồn cung lớn hơn cầu, khi hoạt động nhập khẩu đường tăng đột biến và ảnh hưởng của việc thực hiện cam kết ATIGA, khiến lượng đường tồn kho tăng cao lên mức 700 – 870 ngàn tấn đường/vụ.

Việc sản xuất mía không có lợi nhuận hoặc thua lỗ, khiến nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác, làm diện tích mía thu hoạch của cả nước giảm 47,1% từ mức cao nhất 285.100 ha vụ 2012-2013 xuống chỉ còn 150.689 ha trong vụ 2019-2020. Cùng với đó, mấy năm trở lại đây, dưới tác động của “dòng thác” đường nhập lậu tràn qua biên giới, chiếm lĩnh thị trường nội địa với giá rẻ khiến đường trong nước “sống dở, chết dở”.

Tại thị trường trong nước, đường nội không cạnh tranh được với đường ngoại, lượng đường tồn kho cao. Càng đầu tư càng lỗ, hàng loạt doanh nghiệp ngậm ngùi rời bỏ thị trường, diện tích trồng mía của người dân vì thế cũng ngày càng thu hẹp, ngành mía đường đứng trước muôn vàn khó khăn.

Đường nhập khẩu và đường lậu đang khiến ngành mía đường “lao đao” trên sân nhà

Theo dự báo mới nhất của ISO, vụ 2020/21, thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 4,8 triệu tấn đường. Trong khi đó, tại Việt Nam, niên vụ 202-2021, lũy kế đến cuối tháng 2/2021, toàn ngành đã ép được 3,75 triệu tấn mía, sản xuất được 368.557 tấn đường. So sánh cùng kỳ với vụ ép mía 2019 - 2020 (vốn đã là vụ ép có sản lượng thấp kỷ lục trong 19 năm của ngành đường Việt Nam) sản lượng mía ép chỉ đạt 72,3% và sản lượng đường chỉ đạt 71,3%.

Từ đó, Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) ước tính sản lượng đường của vụ 2020 - 2021 chỉ còn khoảng trên dưới 550.000 tấn, thấp kỷ lục trong nhiều năm qua. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ đường trong nước hàng năm vào khoảng 1,8 triệu tấn đường các loại.

Đường nhập khẩu lên ngôi

Trong bối cảnh ngành mía đường trong nước đang “lao đao” thì đường nhập khẩu và đường lậu lại đang lên ngôi. Trong đó, nguồn đường nhập khẩu chủ yếu đến từ Thái Lan, nhất là sau khi ngành mía đường Việt Nam chính thức thực hiện cam kết ATIGA từ ngày 01/01/2020. Từ thời điểm này, mức thuế suất đối với đường nhập khẩu tại khu vực ASEAN chỉ còn 5% và không giới hạn số lượng. Điều này khiến các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các “ông lớn” thi nhau nhập khẩu đường.

Theo thống kê của VSSA, chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2020, các DN trong nước đã nhập khẩu hơn 952,8 nghìn tấn đường từ Thái Lan. Đáng chú ý, chỉ riêng Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa - TTC Sugar và các công ty thành viên đã nhập khẩu khoảng 560 nghìn tấn, chiếm 2/3 tổng lượng đường nhập khẩu.

Đây là chưa tính đến lượng khá lớn đường lỏng si-rô ngô nhập khẩu (khoảng 200.000 tấn/năm) từ Trung Quốc và Hàn Quốc với thuế suất 0%. Sản phẩm này giá thành thấp hơn 10% và độ ngọt cao hơn 1,5 lần so với đường mía, vốn có thể dùng để thay thế cho phần lớn nhu cầu sử dụng đường RE trong ngành sản xuất đồ uống, thực phẩm lỏng. Ngoài ra, còn có đường nhập lậu, với lượng ước tính từ 490.000 – 890.000 tấn/năm.

Quyết định chống bán phá giá với đường nhập khẩu Thái Lan chưa giúp doanh nghiệp sản xuất đường trong nước được hưởng lợi

Dưới sức ép cạnh tranh rất lớn từ đường nhập khẩu và đường lậu, tháng 8/2020, các doanh nghiệp sản xuất mía đường đã phải cầu cứu Bộ Công thương.

Cụ thể, các doanh nghiệp này đề xuất Bộ Công thương áp dụng biện pháp chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía có các mã HS 1701.13.00, 1701.14.00 và 1701.99.10 (hàng hóa bị điều tra) có xuất xứ từ Thái Lan. Mức thuế đề xuất chống bán phá giá là 37,9 %.

Ngày 21/09/2020, Bộ trưởng Bộ Công thương ký Quyết định số 2466/QĐ-BC về việc Điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan. Dù đang điều tra nhưng 3 tháng cuối năm 2020, sản lượng đường Thái Lan nhập khẩu về vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt khi có hơn 378,7 nghìn tấn được nhập khẩu.

Do đó, để kiểm soát đường nhập khẩu, ngày 09/02/2021, Bộ Công thương tiếp tục ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Điều này khiến cho lượng nhập khẩu đường chính ngạch từ Thái Lan theo Hiệp định ATIGA chững lại, tác động tích cực đến tình hình tiêu thụ và giá bán đường trong nước.

Sau khi có Quyết định này, giá mua mía trong giai đoạn cuối vụ 2020/21 được các NMĐ điều chỉnh tăng lên thêm từ 150.000 – 250.000 đồng/tấn so với vụ 2019/20, phần nào giúp nông dân và NMĐ sản xuất bắt đầu có lãi trở lại. Điều này đã khích lệ các NMĐ tăng cường đầu tư cho nông dân trồng mới, khôi phục và mở rộng diện tích vùng mía nguyên liệu.

Tuy nhiên, do quyết định áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan ban hành hơi trễ, đồng thời, thời vụ trồng mía mới ở hầu hết các vùng sắp hết, nên dự báo, diện tích mía tại Việt Nam trong vụ 2021/2022 tới đây cũng khó tăng đột biến, mà có độ trễ nhất định. Dự kiến phải sau 2-3 vụ nữa, nguồn cung mía nguyên liệu mới được khôi phục, đáp ứng đủ nhu cầu chế biến cho khoảng 23-25 NMĐ còn có khả năng tồn tại và hoạt động từ vụ 2021-2022 về sau.

Đồng thời, tại Quyết định số 477/QĐ-BCT thuế chống bán phá giá lại được tách ra làm hai loại với 44,23% đường tinh luyện và đường thô là 29,23% (chênh lệch 15%). Với mức chênh lệch này, khi nhập đường thô từ Thái Lan để tinh luyện sẽ rẻ hơn khoảng 1.500 đồng/kg so với nhập đường tinh luyện. Do đó, việc tách rời mức áp giá thuế chống bán phá giá là không phù hợp và doanh nghiệp sẽ chuyển hướng chỉ nhập khẩu đường thô.

Đây chính là kẽ hỡ để một số doanh nghiệp "lớn" ngành mía đường có "quota" đẩy mạnh việc nhập khẩu đường thô giá rẻ từ Thái Lan về bán trong nước. Còn nếu theo tình hình thực tế hiện nay, doanh nghiệp sản xuất đường trong nước và người nông dân trồng mía thì lại gần như không được hưởng lợi từ chính sách này.

Anh Đức

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang