Ngư dân, người nuôi trồng và người kinh doanh lao đao vì giá hải sản tụt dốc

author 13:03 06/08/2021

(VietQ.vn) - Thị trường hải sản “ngấm đòn” vì dịch Covid - 19, nên hầu hết các loại hải sản giảm giá sâu chưa từng thấy, ngư dân bám biển, người nuôi trồng, lẫn kinh doanh đều rơi vào nghịch cảnh bán cắt lỗ nhưng việc tiêu thụ vẫn gặp khó.

 Một đoạn quảng cáo "giải cứu" hải sản tới người tiêu dùng

Từ khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn cùng với sức mua kém, nhiều nhà hàng đóng cửa đã khiến cho thị trường tiêu thụ hải sản giảm mạnh, kéo theo giá cũng liên tục giảm sâu. Từ việc giá thu mua hải sản ngày càng thấp nhưng chi phí nguyên liệu, vận chuyển ngày càng tăng cao nên đã khiến không ít ngư dân bám biển bị thua lỗ, nhiều tàu cá phải nằm bờ. Còn những ngư dân làm nghề nuôi trồng thì cũng ngao ngán tương tự, rơi vào nghịch cảnh, một là chấp nhận bán lỗ nhưng cũng chỉ cầm canh, hai là chấp nhận để tồn đợi thời tăng giá trở lại.

Tại Quảng Ninh, giá hàu nuôi tại bè giảm mạnh chỉ còn khoảng 5-7.000 đồng/kg, ngao hai cồi cũng chỉ vào khoảng 25-30.000 đồng/kg; bề bề giảm từ 300.000 đồng xuống chỉ còn từ 130-180.000 đồng/kg; cua biển giảm từ 550-600.000 đồng/kg xuống còn từ 300-350.000 đồng/kg.

Đặc biệt, sá sùng tươi cũng giảm mạnh từ 500.000 đồng/kg xuống còn khoảng 250-300.000 đồng/kg; sá sùng khô giảm gần một nửa, chỉ còn khoảng 3 triệu đồng/kg…

Cua gạch loại lớn, size từ 2-3 con/kg trước đây lái mua với giá 400.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 280.000 đồng/kg; loại nhỏ chỉ còn 200.000 đồng/kg. Cua thịt siz 2-3 con/kg chỉ còn 180-200.000 đồng/kg, loại 4-5-6 con/kg thì chỉ còn từ 120.000 đồng/kg”. Ngoài cua biển, giá tôm càng xanh cũng giảm chưa từng thấy, chỉ còn 90-110.000 đồng/kg tùy size.

 Livetreams quảng cáo để "giải cứu" hải sản

Ông Trần Văn Quốc (xã Tam Quang, huyện Núi Thành) cho hay, tàu của ông vươn khơi gần 1 tháng ở ngư trường Hoàng Sa đánh bắt được hơn 4 tấn cá các loại như: Cá ngừ, cá nục… Sau khi cập cảng Kỳ Hà, ông Quốc tìm các thương lái để bán nhưng ai cũng trả giá rất thấp, lại còn bị ép giá. Mỗi chuyến ra khơi tàu ông chi phí 150 triệu đồng và cùng 6 thuyền viên vươn khơi bám biển đánh bắt hải sản nhưng do áp lực của việc trang trải phần nào chi phí nên bấm bụng bán rẻ. Trong chuyến đi này ông Quốc bị thiệt hại khoảng 40 triệu đồng so với chuyến trước.

Anh Nguyễn Văn Linh, trú tại Trà Cú (Trà Vinh) cho biết, chưa năm nào người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn như hiện nay bởi đầu vụ giá thức ăn, vật tư chăn nuôi tăng cao, cuối vụ, giá bán tôm lại giảm mạnh. Ví dụ trước đây, tôm thẻ chân trắng loại 50 con/kg giá khoảng 150.000 đồng/kg, nay giảm còn khoảng 100.000 đồng/kg.

Anh Linh cho biết thêm, giá thấp, người dân đứng trước tình trạng thua lỗ nhưng thương lái lại chỉ mua cầm chừng, thậm chí, thay vì tới tại đầm cân thu thì nay yêu cầu gia chủ tự mang xe chở ra họ mới mua. Ngoài ra, nếu như trước đây phí vận chuyển 1 thùng tôm hoặc cua từ Kiên Giang đi TP. Hồ Chí Minh chỉ hết 100.000 đồng thì nay đã cao gấp đôi, thời gian trung chuyển cũng kéo dài thêm 2-3 giờ.

Còn tại thị trường các siêu thị hải sản cũng rơi vào tình trạng ế ẩm tương tự, phải giảm giá kịch sàn, chạy chương trình “giải cứu” để thu hút khách bằng mọi cách.

Tại một chợ hải sản ở quận Hoàn Kiếm, do khu vực này đang bị phong tỏa tạm thời do dịch Covid nên các mặt hàng hải sản đều đang giảm giá "sốc". Tôm hùm bông loại 1kg/con giảm từ 3.150.000 đồng xuống 2.650.000 đồng/kg, tôm Alaska loại dưới 2kg giảm từ 1.190.000 đồng/kg xuống 990.000 đồng/kg, ốc vòi voi giá 650.000 đồng giảm còn 520.000/kg, cá chình hoa giảm từ 585.000 đồng xuống 525.000 đồng/kg... Thậm chí, nhiều loại mặt hàng còn giảm hơn cả giá nhập. Tuy vậy, lượng khách đến mua chỉ bằng khoảng 1/5 so với thời điểm trước giãn cách.

 Người nuôi trồng hải sản ngao ngán vì giá rẻ nhưng vẫn phải bán cắt lỗ

Ông Nguyễn Hữu Trang, Giám đốc một công ty chuyên kinh doanh hải sản tươi sống tại Hà Nội cho biết, tại chuỗi nhà hàng đang có mức giảm kỷ lục chưa từng có với rất nhiều loại hải sản.  Nguyên nhân là vì quá vắng khách đồng thời chi phí bảo quản hàng hải sản tươi sống quá tốn kém, trong khi, lượng khách đã giảm 95% so với thời điểm trước giãn cách.

Tại các chợ truyền thống, giá hải sản loại bình dân hơn hầu như không thay đổi. Cua biển giá 450.000 đồng/kg cua thịt; cua gạch là 550.000 đồng/kg, ghẹ giá từ 350.000 - 450.000 đồng/kg, tôm lớp 250.000 đồng/kg. 

Tuy nhiên, các quầy hải sản cũng lâm vào tình trạng ế ẩm. Theo ghi nhận, những hàng hải sản tại chợ truyền thống khắp trên địa bàn Hà Nội đều trong tình trạng vắng bóng khách, do người dân hạn chế đi lại, thắt chặt chi tiêu, trong khi bên cạnh đó là những quầy rau củ quả tất bật người ra vào.

An Nguyên (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang