Người nước ngoài có được rút bảo hiểm xã hội 1 lần tại Việt Nam?
Bộ Tài chính tiếp tục thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm
Nâng cao hiệu quả triển khai nhiệm vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục tăng trưởng
Sáng 31/10, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC) phối hợp với Bảo hiểm xã hội TP.HCM tổ chức Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền thành phố về lĩnh vực BHXH.
Sớm đồng bộ dữ liệu trên VssID
Tại hội nghị đối thoại, các phòng nghiệp vụ của BHXH TP.HCM đã trao đổi một số nội dung trong quá trình thực hiện thu BHXH mà doanh nghiệp quan tâm và phổ biến một số nội dung nghiệp vụ mới phát sinh. Đây cũng là kênh tiếp nhận phản ánh về tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ công chức, viên chức ngành BHXH; quy trình tổ chức thực hiện… từ đó có những đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội trong việc xây dựng chính sách BHXH, BHYT phù hợp với thực tiễn và nhu cầu, mong muốn của người dân.
Ông Trần Dũng Hà – Phó Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết, tính đến hết Quý 3/2023, BHXH TP.HCM đang quản lý 2,5 triệu lao động đóng BHXH, trong đó có 300.000 lao động đóng bảo hiểm tự nguyện, giải quyết BHXH 1 lần cho 85.700 người, tăng 2,1 % so với cùng kỳ. Trong 10 tháng năm 2023, BHXH cũng xử phạt vi phạm hơn 8 tỷ đồng đối với các doanh nghiệp vi phạm.
Nhiều vấn đề xung quanh bảo hiểm thất nghiệp, thai sản, tử tuất được đưa ra tại Hội nghị đối thoại về BHXH.
Trả lời ý kiến thắc mắc của doanh nghiệp về việc thiếu dữ liệu trên ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số khiến người lao động bất an, thiếu tin tưởng vào doanh nghiệp sử dụng lao động, bà Phan Thị Mai, Trưởng phòng quản lý Thu – Sổ, thẻ BHXH TP.HCM cho biết, hiện dữ liệu này đang trong quá trình hoàn thiện.
Hiện nay, việc đồng bộ dữ liệu quá trình tham gia đóng BHXH, BHTN của người tham gia còn thiếu do quá tải về dữ liệu… nên một số người dùng khi tra cứu quá trình đóng BHXH trên VssID thì chỉ hiển thị thông tin quá trình đóng BHXH ở đơn vị đóng gần nhất, thông tin đóng BHXH trước đó không tra cứu được. BHXH Việt Nam đang khẩn trương khắc phục kỹ thuật nội dung này. Trong giai đoạn 2023-2025, ngành BHXH Việt Nam có đề án nâng cấp ứng dụng VssID, đồng thời mở thêm dung lượng để ứng dụng VssID có thể cập nhật vào kho dữ liệu đồng bộ của ngành, khi người lao động tham gia các chế độ sẽ được cập nhật đầy đủ.
Trong trường hợp người tham gia phát hiện quá trình đóng BHXH trên VssID bị thiếu có thể xử lý bằng cách gọi điện đến tổng đài BHXH Việt Nam 1900 9068 để được hỗ trợ thông tin về việc cập nhật thiếu thời gian tham gia BHXH. Ngoài ra, người tham gia có thể trực tiếp đến tại cơ quan BHXH nơi mình đang tham gia, mang theo sổ BHXH, căn cước công dân để được cập nhật thông tin nhanh nhất.
“Tuy nhiên, do ứng dụng VssID chỉ cung cấp dữ liệu để truy cứu về nghĩa vụ đóng BHXH của doanh nghiệp nên trong trường hợp bị mất tờ rời về BHXH, người lao động vẫn phải liên hệ với cơ quan BHXH để xin cấp lại, làm cơ sở để giải quyết các thủ tục về sau”, bà Mai cho biết.
Vấn đề sử dụng lao động người nước ngoài được một số doanh nghiệp đặt câu hỏi.
Người lao động nước ngoài phải tham gia BHXH bắt buộc
Là thành phố có nhiều hoạt động giao thương kinh tế với các công ty, tập đoàn nước ngoài, vấn đề sử dụng lao động người nước ngoài cũng được nhiều doanh nghiệp đề cập tại buổi đối thoại. Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Chế độ BHXH khẳng định: Theo Nghị định 143/2018/NĐ-CP, người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam. Khi tham gia BHXH bắt buộc, lao động là người nước ngoài được hưởng mọi chế độ như đối với NLĐ Việt Nam gồm có: Chế độ ốm đau; chế độ thai sản; chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chế độ hưu trí và tử tuất hoặc nhận BHXH một lần. Tuy nhiên, khi thuộc một trong các trường hợp dưới đây người lao động nước ngoài không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc:
- Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 152/2020/NĐ-CP. Người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng liên tục.
- Người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động. Cụ thể, năm 2023, tuổi nghỉ hưu đối với lao động nam là 60 tuổi 9 tháng; tuổi nghỉ hưu với lao động nữ là 56 tuổi.
Trả lời thắc mắc của doanh nghiệp về việc rút BHXH 1 lần cho người nước ngoài khi thời gian đóng BHXH chỉ mới hơn 1 năm và hiện đã về nước, bà Nguyễn Thị Hồng Nga cho biết: người lao động nước ngoài theo trường hợp này vẫn được rút BHXH 1 lần vì thuộc trường hợp thứ tư theo khoản 6 Điều 9 Nghị định 143/2018. "Trường hợp người lao động nước ngoài không thể trực tiếp nộp hồ sơ và nhận tiền BHXH một lần thì có thể ủy quyền cho người khác nhận thay theo quy định của pháp luật về ủy quyền. Cơ quan BHXH chỉ chi trả cho người được ủy quyền theo nội dung ủy quyền (nhận tiền mặt hoặc qua tài khoản cá nhân), không chuyển tiền vào tài khoản của công ty”, bà Nga khẳng định.
Ngọc Anh