Nguy cơ cháy nổ ô tô do sử dụng thiết bị điện không đảm bảo quy chuẩn an toàn

(VietQ.vn) - Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cháy xe ô tô này chính là việc sử dụng các trang thiết bị điện không đảm bảo quy chuẩn an toàn
Nghiên cứu phát hiện 2 loại đồ uống chứa đầy hạt vi nhựa gây hại sức khỏe
Phát hiện mới về khả năng hỗ trợ chống ung thư đại tràng từ nhóm thực phẩm giàu canxi
Áp dụng thu phí trước bạ với ô tô điện từ 1/3/2025
Quá trình vận hành ô tô phụ thuộc phần lớn vào hệ thống điện, đồng thời, đây cũng là yếu tố chủ đạo để vận hành xe. Hệ thống điện ô tô can thiệp vào gần như tất cả các hệ thống trên một chiếc xe, từ hệ thống đơn giản có từ lâu đời như khởi động, cung cấp điện, đánh lửa đến những hệ thống mới được nghiên cứu ứng dụng như phanh, lái, treo
Tuy nhiên trong những năm gần đây, thường xuyên xảy ra tình trạng cháy xe ô tô khi xe đang lưu thông trên đường, gây mất an toàn cho người dân và thiệt hại lớn về tài sản. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan như bắt nguồn từ lỗi kĩ thuật của phương tiện, cách thức vận hành của chủ sở hữu hoặc các vấn đề liên quan tới chập điện, rò rỉ nhiên liệu, … Và một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng này chính là việc sử dụng các trang thiết bị điện không đảm bảo quy chuẩn an toàn; việc tự đấu nối, gia cố các thiết bị liên quan đến nguồn điện mà thiếu sự am hiểu khoa học kĩ thuật.
Nhiều chủ xe có xu hướng lắp thêm các thiết bị như đèn LED, camera hành trình, màn hình giải trí hay bộ khuếch đại âm thanh mà không tuân theo các quy chuẩn an toàn về điện. Nếu đấu nối không đúng cách, hệ thống điện của xe có thể bị quá tải, chập cháy hoặc rò rỉ điện, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Thiết bị điện trên ô tô cần đảm bảo an toàn theo quy chuẩn. Ảnh minh họa
Ngoài ra, việc sử dụng linh kiện kém chất lượng hoặc không tương thích với hệ thống điện nguyên bản của xe cũng làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố. Chính vì vậy, bất kỳ sự can thiệp nào vào hệ thống điện ô tô cũng cần được thực hiện bởi kỹ thuật viên có chuyên môn, đồng thời tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
Điển hình một vụ cháy xe ô tô xảy ra tại tỉnh Bình Thuận. Theo đó một người đàn ông trú tại xã Gia Minh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình điều khiển xe ô tô biển số 89C – 080.XX chạy trên đường cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo theo hướng Nam ra Bắc, khi đến Km 219 +435m thuộc thôn 2, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc thì xe bị cháy. Tài xế đã gọi xe chữa cháy và dập được lửa. Tuy nhiên, xe ô tô và hàng hóa trên xe đã bị hư hỏng, cháy hoàn toàn.
Qua quá trình khám nghiệm hiện trường, giám định viên của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Bình Thuận đã xác định được điểm xuất phát cháy đầu tiên là tại khu vực nơi đặt xe nâng điện giữa thùng xe. Cụ thể, nguyên nhân xảy ra sự cố trên là do dây điện bị tróc vỏ để lộ dây kim loại gây ra sự tiếp xúc điện. Nắp đậy kim loại bảo vệ bình điện không được cố định nên không đóng nắp được kín khít đã tạo ra khe hở nên xảy ra hiện tượng ngắn mạch gây phóng hồ quang điện. Hồ quang điện sinh ra nhiệt độ từ 40000C đến 60000C gây bốc cháy chất dễ cháy và dẫn đến tình trạng như trên.
Từ đó, có thể thấy rằng việc sử dụng các trang thiết bị điện tử không đảm bảo kết hợp với sự thiếu hiểu biết về an toàn điện của người điều khiển phương tiện, là nguyên nhân dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Khi các thiết bị kém chất lượng hoặc không phù hợp được lắp đặt tùy tiện, hệ thống điện trên xe dễ bị quá tải, chập cháy, làm tăng nguy cơ hỏa hoạn, đe dọa đến tính mạng con người và gây thiệt hại lớn về tài sản. Ngoài ra, sự chủ quan của chủ xe khi tự ý đấu nối, sửa chữa mà không tuân thủ các nguyên tắc an toàn cũng góp phần làm gia tăng rủi ro.
Do đó người điều khiển phương tiện cần chú ý lựa chọn thiết bị phù hợp, có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo đạt quy chuẩn an toàn kỹ thuật, tránh lắp đặt, chuyên chở các thiết bị tiêu thụ điện vượt quá công suất định mức cho phép của hệ thống điện trên phương tiện. Không nên tự ý đấu nối chồng chéo dây điện. Cần thường xuyên theo dõi các thiết bị điện trên, nhanh chóng thay thế các thiết bị xuống cấp do sử dụng lâu ngày.
Hạn chế tối đa việc đấu nối, thay đổi kết cấu các thiết bị điện nguyên bản của xe. Nếu có nhu cầu thay đổi thì nên liên hệ với các kỹ thuật viên có kinh nghiệm, các trung tâm bảo trì bảo dưỡng uy tín để thực hiện việc lắp đặt một cách an toàn, đảm bảo chất lượng và hiệu suất hoạt động của phương tiện.
Liên quan tới tiêu chuẩn an toàn điện trên ô tô, căn cứ theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2015/BGTVT quy định về hệ thống dây điện trên ô tô phải được bọc cách điện. Dây điện phải chịu được nhiệt độ và độ ẩm, đặc biệt là dây điện nằm trong khoang động cơ. Dây điện phải được bảo vệ và kẹp giữ chắc chắn ở các vị trí trên thân xe tránh được các hư hỏng do bị cắt, mài hay cọ xát.
Các giắc nối, đầu nối và công tắc điện phải được cách điện. Ắc quy phải được lắp đặt chắc chắn. Ngăn đựng ắc quy không được thông với khoang hành khách, khoang người lái và phải được thông với không khí bên ngoài.
Phương thức kiểm tra, thử nghiệm và cấp giấy chứng nhận thực hiện theo quy định tại Thông tư số 30/2011/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe cơ giới và Thông tư số 54/2014/TTBGTVT ngày 20 tháng 10 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 30/2011/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe cơ giới.
An Dương (T/h)