Cảnh báo biến chứng nguy hiểm do bó thuốc nam tại nhà

author 07:03 16/02/2021

(VietQ.vn) - Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.Hồ Chí Minh) vừa tiếp nhận điều trị cho bệnh nhi bị biến chứng do bó thuốc nam.

Theo gia đình chia sẻ, bé bị té chống tay trước Tết mấy ngày, tay sưng, nhưng ba và ông nhất quyết không chịu đi bệnh viện mà đưa bé đi bó thuốc gần nhà. Đến khi cánh tay sưng quá, bé đau, da nổi mụn nước, gia đình mới đưa đi khám.

Tại bệnh viện, cánh tay bệnh nhi cứng đơ vì đau và ngứa. Các bác sĩ cho bệnh nhi chụp xương và xét nghiệm máu vì nghi ngờ có gãy xương và da nhiễm trùng. Kết quả hình chụp thấy xương cẳng tay bị gãy và xét nghiệm máu có dấu hiệu nhiễm trùng.

Theo các bác sĩ, thông thường, với những chấn thương xương tương tự, bệnh nhi sẽ được bó bột, uống thuốc giảm đau, giảm sưng và về nhà theo dõi, tái khám. Nhưng với trường hợp này, bệnh nhi phải nhập viện để chăm sóc phần da nhiễm trùng, sau đó mới có thể điều trị phần xương bị gãy.

Thay vì điều trị tại nhà, bệnh nhi phải nằm viện, sử dụng kháng sinh do biến chứng của thuốc nam. Qua trường hợp này, các bác sĩ một lần nữa khuyến cáo người dân không tự ý điều trị khi bị chấn thương.

Ảnh minh họa 

Đồng thời, khi bị chấn thương, các bác sĩ lưu ý mọi người hãy sơ cứu theo các bước sau: (1) Để bệnh nhân bất động, nằm nghỉ: Không nên di chuyển vì sẽ làm tổn thương nặng hơn; (2) Chườm lạnh: Sử dụng đá lạnh bỏ vào một cái khăn hoặc túi chườm chuyên dụng nếu có, chườm lên vùng bị chấn thương từ 5 - 10 phút, chia nhiều lần trong ngày, cách này giúp giảm đau và giảm sưng;

(3) Băng ép, đeo nẹp: Sử dụng băng thun hoặc nẹp để băng ép, cố định vùng bị tổn thương, việc này giúp tổn thương không bị nặng hơn và xương gãy (nếu có) không bị di lệch; (4) Kê cao tay, chân bị chấn thương: giúp máu lưu thông tốt, giảm sưng. Sau khi đã sơ cứu, hãy đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra các tổn thương gãy xương nếu có và mức độ chấn thương.

Liên quan tới những tác hại khi tự ý sử dụng thuốc nam, hồi tháng 11/2020, một bé trai 17 tháng tuổi được đưa vào khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), trong tình trạng quấy khóc, chân bỏng, sưng nề, chảy dịch đục, trợt da, nhựa lá cây dính bết vào vết bỏng, cử động cổ chân hạn chế.

Người nhà bệnh nhi cho biết bé trai bị bỏng nước sôi cách đây 6 ngày. Tuy nhiên, gia đình không đưa trẻ đến bệnh viện mà dùng thuốc nam đắp vào vết bỏng. Sau 6 ngày đắp thuốc, trẻ sốt, quấy khóc, bàn chân sưng to, vết bỏng không đỡ, nóng và chảy dịch. Thấy vậy, gia đình mới cho con nhập viện. Các bác sĩ đã nhanh chóng sát khuẩn, chuyển phẫu thuật để làm sạch vết thương cho bệnh nhi. Trẻ được chẩn đoán bị bỏng ở mức độ II, III.

Theo các bác sĩ, nếu bệnh nhi được đưa ngay tới bệnh viện để xử lý, vết thương sẽ hồi phục nhanh và không để lại biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, vết bỏng của trẻ không được điều trị đúng cách, gây nhiễm trùng nặng cả hai bàn chân, nguy cơ nhiễm trùng huyết, thậm chí ảnh hưởng tính mạng. 

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang