Nhu cầu tiêu dùng các nước giảm kéo tụt đà tăng trưởng xuất khẩu lâm sản

author 10:40 29/07/2022

(VietQ.vn) - Tháng 7, giá trị xuất khẩu lâm sản ước đạt 1,41 tỷ USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân được xác định do giá nguyên liệu sản xuất và sản phẩm tăng cao; các quốc gia thắt chặt chính sách tín dụng do lạm phát có xu hướng tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh.

Tính chung 7 tháng năm 2022, giá trị xuất khẩu lâm sản ước đạt 10,42 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong số đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,72 tỷ USD, tăng 1,2%; lâm sản ngoài gỗ đạt 0,7 tỷ USD, tăng 2,6%.

Trong 7 tháng, gỗ và lâm sản xuất khẩu sang 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 5 thị trường Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường xuất khẩu chính. Tổng giá trị xuất khẩu tại 5 thị trường này ước đạt 9,38 tỷ USD, chiếm 90% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.

Riêng thị trường Mỹ, thị trường chiếm tỷ trọng giá trị xuất khẩu lâm sản cao nhất đã có sự giảm mạnh với 4,9% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt trên 5,84 tỷ USD nên kéo đà tăng trưởng xuất khẩu lâm sản từ đầu năm đến nay.

Trong khi đó, xuất khẩu lâm sản sang các thị trường khác vẫn có sự tăng trưởng. Điển hình như Nhật Bản đạt 1,04 tỷ USD, tăng 19,4 % so với cùng kỳ năm 2021; Trung Quốc 1,161 tỷ USD, tăng 23,8%; EU đạt 726 triệu USD, tăng 0,8%; Hàn Quốc 623 triệu USD, tăng 13%.

 Tháng 7/2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm tháng thứ hai liên tiếp. Ảnh minh họa

Theo ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, tăng trưởng xuất khẩu lâm sản 7 tháng đạt thấp so với những năm trước đó chủ yếu do giá nguyên liệu sản xuất và sản phẩm tăng cao; các quốc gia thắt chặt chính sách tín dụng do lạm phát có xu hướng tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh. Điển hình như xuất khẩu sang Mỹ giảm 4,9% do chính sách thắt chặt tín dụng để kìm hãm lạm phát tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm. Xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc tăng trưởng mạnh do xuất khẩu dăm gỗ và viên nén tăng.

Dù đến nay xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn có sự tăng trưởng nhưng mức tăng trưởng đã giảm khá mạnh so với cùng kỳ. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đánh giá, nhu cầu tiêu dùng về các sản phẩm không thiếu yếu tại các thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu và Anh giảm mạnh đang tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành hiện nay.

Trước tình hình trên, ông Đỗ Xuân Lập cho biết, nhiều doanh nghiệp đang tiến hành các biện pháp giảm thiểu khắc phục, bao gồm giảm quy mô sản xuất, chuyển đổi mặt hàng, chuyển đổi thị trường và một số biện pháp khác.

Ông Bùi Chính Nghĩa cũng cho biết, ngành lâm nghiệp phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, kịp thời tham mưu xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành gỗ.

Trước đó, tại hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do tác động của xung đột Nga – Ukraine, khiến việc vận chuyển hàng hóa khó khăn, chi phí tăng cao, cùng với tình hình lạm phát của các nước tăng cao khiến nhu cầu mua sắm giảm. Trước khó khăn trên, dự báo xuất khẩu lâm sản cả năm 2022 đạt khoảng 16,3 tỷ USD, xấp xỉ với mục tiêu đề ra từ đầu năm.

Theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp sẽ chủ động họp bàn với các hiệp hội và doanh nghiệp để một mặt vẫn chủ động đáp ứng các hợp đồng đã ký, mặt khác mở rộng ra các thị trường, ít bị biến động ảnh hưởng, để không phụ thuộc vào một thị trường nào đó. Ngành bám sát, xây dựng kịch bản điều hành về xuất, nhập khẩu lâm sản đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch xuất khẩu năm 2022.

Đối với nguồn nguyên liệu trong chế biến xuất khẩu, các doanh nghiệp cần tăng cường sử dụng nguyên liệu trong nước, đặc biệt là gỗ rừng trồng. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động sản xuất các sản phẩm phụ trợ để giảm giá thành một cách thấp nhất và đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Ngành lâm nghiệp sẽ tập trung thực hiện, phối hợp các ngành chức năng trong việc ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại của một số doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm soát chặt gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro về nguồn gốc gỗ bất hợp pháp. Đồng thời nhân rộng mô hình liên kết thành công giữa doanh nghiệp chế biến gỗ và hộ gia đình trồng rừng để vừa đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp trong nước, vừa tăng giá trị gia tăng, giảm chi phí giá thành cho sản phẩm, qua đó nâng cao tính cạnh tranh cho gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam.

An Nguyên (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang