Những đối tượng nào cần đi khám sau hậu COVID-19?

author 10:03 21/02/2022

(VietQ.vn) - Kiểm tra sức khỏe sau khi mắc COVID-19 là việc cần thiết, giúp đánh giá sớm những biến chứng và đưa ra biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu để giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe. Vậy những đối tượng nào cần đi khám hậu COVID-19 là câu hỏi nhiều người quan tâm.

Theo các chuyên gia y tế, COVID-19 có thể gặp ở mọi độ tuổi và tất cả bệnh nhân đều có nguy cơ xuất hiện di chứng hậu COVID-19.

Virus SARS-CoV-2 tấn công vào tất cả cơ quan của cơ thể ở giai đoạn cấp tính. Tuy nhiên, giai đoạn hậu COVID-19 có thể do di chứng tổn thương của đa cơ quan nên hay gặp ở những bệnh nhân có nhiều triệu chứng sau khi khỏi COVID-19 như: Mệt mỏi, tức ngực, khó thở, rối loạn chức năng nhận thức, stress, mất mùi và khứu giác vẫn còn… nhưng hội chứng hệ hô hấp là chủ yếu. Triệu chứng có thể mới khởi phát sau khi đã hồi phục từ đợt mắc COVID-19 cấp tính, hoặc kéo dài từ đợt bệnh ban đầu. Triệu chứng cũng có thể thay đổi hoặc tái phát theo thời gian.

Nguyên nhân gây tình trạng hậu COVID-19 theo PGS. TS. BS Hoàng Thị Phượng - chuyên gia hô hấp Medlatec cho biết là do virus SARS-CoV-2 gây phản ứng viêm - cytokines - xơ hóa - rối loạn đông máu. Do tổn thương di chứng sau thời gian dài điều trị hồi sức trong bệnh viện, tổn thương di chứng của bệnh nền kèm theo. Đặc biệt, tổn thương đa cơ quan, xơ hóa phổi, tắc mạch phổi là 2 tình trạng di chứng phổi rõ ràng và nặng nhất ở hội chứng hậu COVID-19.

“Những F0 phải nhập viện điều trị, đặc biệt là điều trị Hồi sức tích cực (ICU) hay gặp hội chứng hậu COVID-19, còn bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng hầu như ít gặp. Những bệnh nhân có nguy cơ cao bị xơ phổi hậu COVID là người tuổi cao, nam giới, thời gian nằm viện dài và có bệnh phổi từ trước, mức độ nặng phải thở oxy, thở máy", PGS TS. BS Hoàng Thị Phượng nhấn mạnh.

 Những đối tượng nào cần đi khám hậu COVID-19?. 

Trên thực tế, nhiều người mắc COVID-19 khỏi bệnh rất lo lắng, muốn đi khám hậu COVID-19. Vậy đối tượng nào thì nên đi khám hậu Covid-19?

Theo PGS. TS. BS Hoàng Thị Phượng, tuy nhiều người gặp phải hội chứng hậu COVID-19, nhưng không có nghĩa là tất cả những người mắc COVID-19 đều đi khám hậu, như vậy sẽ rất lãng phí. “Những người phải có triệu chứng của hậu COVID-19 thì mới đi khám. Nhóm F0 nằm viện, có viêm phổi, điều trị ICU thì sau khi ra viện, bác sĩ sẽ hẹn tái khám định kỳ 4 tuần, 8 tuần. Còn nhóm F0 nhẹ, không phải nhập viện thì chỉ đi tái khám khi có triệu chứng hậu COVID-19”, PGS. TS. BS Hoàng Thị Phượng khuyến cáo.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - cố vấn Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng đưa ra nhận định, nhóm cần phải đi khám hậu COVID-19 sớm là những người mắc bệnh nặng từng phải điều trị trong phòng hồi sức, người đã âm tính nCoV nhưng phải chuyển sang khu phục hồi chức năng điều trị tiếp. Hầu hết họ đều sẽ bị di chứng hậu nhiễm. Hậu COVID-19 với họ chính là hậu nhiễm trùng nặng. Như bệnh nhân thở máy nhiều, nằm lâu quá sẽ bị teo cơ, thậm chí phụ thuộc máy thời gian dài khiến phổi bị xơ.

Tiếp đó, những trường hợp F0 đã âm tính đang vận động mà bị ngộp thở, tức ngực, khó thở, vận động kém đi cũng cần đi khám, đây là dấu hiệu đặc trưng của hậu nhiễm. Nếu phát hiện ra bệnh khác không liên quan đến COVID-19 như hen, suyễn..., người bệnh phải điều trị theo phác đồ.

Người bệnh có dấu hiệu rối loạn tâm thần như hoảng loạn, bế tắc cũng cần đi khám. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không phải di chứng hậu nhiễm mà do đọc quá nhiều thông tin tiêu cực dẫn đến stress, nhạy cảm quá mức. "Chỉ đi khám khi có các triệu chứng dai dẳng vài tuần, vài tháng", bác sĩ Khanh khuyên.

Còn theo Bác sĩ Đinh Thế Tiến, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, những F0 sau khi khỏi bệnh cần lưu ý vấn đề khám hậu COVID-19 gồm:

Người có bệnh nền (như tăng huyết áp, mạch vành, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa...). Người từ 60 tuổi trở lên bởi họ nguy cơ có nhiều bệnh đồng mắc chưa khởi phát nhưng sau khi mắc COVID-19 có thể thúc đẩy tình trạng nặng hơn. Người phải nhập viện khi mắc COVID-19 (bị suy hô hấp, phải can thiệp thở ô xy, sốt cao phải nhập viện…).

Người bệnh sẽ được khám, tầm soát và điều trị toàn diện di chứng của bệnh đồng thời đánh giá nhu cầu can thiệp về dinh dưỡng, vật lý trị liệu - phục hồi chức năng, nhất là những người từng nhiễm bệnh ở mức độ nặng, nguy kịch hoặc suy giảm sức khoẻ sau khi khỏi bệnh.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đa số người bệnh hồi phục hoàn toàn sau khi mắc COVID-19, nhưng có khoảng từ 10 đến 20% bị ảnh hưởng lâu dài biểu hiện ở mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng, được gọi là tình trạng hậu COVID-19. Thường sau khoảng 4 tuần lây nhiễm, người bệnh sẽ có các triệu chứng hậu COVID-19. Tình trạng này cũng có thể xuất hiện ở cả người không triệu chứng trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần sau khi bị lây nhiễm.

Có khoảng 200 triệu chứng liên quan đến hội chứng hậu COVID-19, đặc biệt ở những bệnh nhân từng phải điều trị hồi sức tích cực. Sau nhiều tuần đến nhiều tháng sau khi khỏi bệnh, người bệnh vẫn còn đối mặt với hàng loạt triệu chứng và di chứng kéo dài như sốt nhẹ, khó thở, ho kéo dài, mệt mỏi, đau cơ, khớp, rụng tóc, xơ phổi, tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực… Người bệnh cũng có thể gặp các triệu chứng về tâm thần kinh như rối loạn tâm lý, giảm sự tập trung, lo âu, trầm cảm, bồn chồn, rối loạn giấc ngủ, mau quên, không tập trung.

WHO định nghĩa hậu COVID -19 là tình trạng bệnh lý xuất hiện ở những người trong tiền sử nhiễm SARS-COV-2, thường xuất hiện trong vòng 3 tháng sau khi khởi phát với triệu chứng có tác động đến cơ thể và kéo dài ít nhất 2 tháng.

Nguyễn Hương(t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang