Buôn bán thuốc chữa Covid-19 không rõ nguồn gốc: Cần chế tài thật sự nghiêm khắc

author 08:48 19/02/2022

(VietQ.vn) - Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Lạng Sơn vừa bắt giữ 02 vụ vận chuyển 800 hộp thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đây là loại thuốc được rao bán trên mạng xã hội với quảng cáo phòng và chữa Covid-19.

Cụ thể, khoảng 11h trưa 18/02, tại đường Chu Văn An, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Lạng Sơn phối hợp Công an phường Vĩnh trại, thành phố Lạng Sơn kiểm tra xe BKS 29H-562.78 do Hoàng Thuý Hạnh (SN 1991, trú xã Phú Xá, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) điều khiển, thu giữ trên xe 400 hộp thuốc.

Đây là loại thuốc dạng viên con nhộng (loại 02 vỉ/hộp; 12 viên/vỉ), trên bao bì có chữ nước ngoài không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp. Hạnh khai nhận đã nhờ mua số hàng này từ Trung Quốc với số tiền 26 triệu đồng để sử dụng và bán kiếm lời.

Toàn bộ số thuốc bị thu giữ đều không có hóa đơn, chứng từ. 

Trước đó, hồi 18h ngày 17/02, cũng tại địa điểm trên, tổ công tác Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh kiểm tra xe mô tô BKS 98D-637.10 do Nguyễn Mạnh Cường (SN 1990, trú số 65, đường Đinh Tiên Hoàng, phường Chi Lăng, TP.Lạng Sơn) điều khiển, thu giữ trên xe 400 hộp thuốc chữa covid-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đối tượng khai mua trên mạng xã hội Facebook tổng số tiền 30 triệu để bán kiếm lời.

Trước thực trạng thuốc điều trị Covid-19 được vận chuyển, bán tràn lan trên mạng, Luật sư Nguyễn Tiến Thủy - Văn phòng luật sư Việt Lý, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, cả nước đang căng mình chống chọi với đại dịch nhưng vẫn có không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng dịch bệnh để kiếm lời bằng cách sản xuất, buôn bán hàng giả. Đặc biệt, thuốc giả không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của nhà sản xuất và các hãng dược phẩm chân chính.

Về chế tài, tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng mà hành vi sản suất thuốc trị Covid-19 giả; kém chất lượng có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Với tính chất, quy mô nhỏ, chưa gây hậu quả lớn, các đối tượng vi phạm sẽ phải chịu chế tài hành chính quy định tại Điều 9, Điều 10 Nghị định 98/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Mức phạt quy định đối với hành vi nêu trên là từ 2 triệu đồng đến 140 triệu đồng (đối với cá nhân buôn bán hàng giả là thuốc) hoặc từ 10 triệu đồng cho đến 200 triệu đồng (đối với cá nhân sản xuất hàng giả là thuốc).

Với tổ chức vi phạm quy định tương tự, mức phạt sẽ gấp hai lần mức tiền theo các quy định trên.

Đối với hành vi nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự về "Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh" theo quy định tại Điều 194 Bộ luật hình sự năm 2015. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức… thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn 200 triệu đồng trở lên; thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 2 tỷ đồng; làm chết người; gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;… thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Thu lợi bất chính 2 tỷ đồng trở lên; làm chết 2 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe 2 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể mỗi người 61% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên;… thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Luật sư Nguyễn Tiến Thủy cho rằng, sản xuất, buôn bán thuốc trị Covid-19 giả không chỉ là một tình tiết tăng nặng theo quy định tại điểm l Khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015 mà còn trái với đạo đức con người. Do vậy, các cơ quan chức năng cần phải xử lý triệt để và có chế tài thật sự nghiêm khắc để trừng trị thích đáng nhằm tạo tính răn đe cho xã hội, không để sự việc tương tự tiếp tục diễn ra.

Nguyễn Hương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang