Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục các biện pháp để ổn định giá vàng

author 18:01 01/10/2024

(VietQ.vn) - Trước tình trạng giá vàng trong nước đang biến động không ngừng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết theo quy định, để kiểm soát thị trường vàng cho phù hợp với giá vàng thế giới.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đơn vị này đã nhận được hàng loạt kiến nghị của cử tri nhiều tỉnh, thành phố, liên quan đến vấn đề quản lý thị trường vàng. Trong đó, cử tri kiến nghị Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có giải pháp bình ổn thị trường vàng trong nước.

Trả lời các vấn đề trên, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trước diễn biến phức tạp của thị trường vàng, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện và các văn bản chỉ đạo về thị trường vàng.

Thực hiện chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp cùng các bộ, ngành và các địa phương triển khai tổng thể các giải pháp để xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng cao, ổn định thị trường vàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Cụ thể, chỉ đạo ngân hàng các địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động kinh doanh vàng tại địa phương. Yêu cầu các các doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; thực hiện chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

Đề nghị Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát… theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu vàng qua biên giới, thao túng, trục lợi… gây mất ổn định thị trường vàng.

Thị trường vàng "nóng' khiến Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo để bình ổn cho phù hợp với giá vàng thế giới. Ảnh minh họa

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức đấu thầu bán vàng miếng và bán vàng miếng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC để bán cho người dân có nhu cầu. Phối hợp với các bộ ngành (đặc biệt là Bộ Công an) và chính quyền các địa phương để đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo hiệu quả của các phương án can thiệp.

Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, với những giải pháp đồng bộ và sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan chức năng, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới quy đổi đã giảm đáng kể, thị trường vàng cơ bản được ổn định.

Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan quyết liệt triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng. Trong đó, tập trung nguồn lực để hoàn thành việc thanh tra theo Quyết định số 324/QĐ-TTGSNH2 ngày 17/5/2024 đối với 2 tổ chức tín dụng và 4 doanh nghiệp kinh doanh vàng theo đúng kế hoạch. Đồng thời kiên quyết đấu tranh làm rõ, xử lý và đề xuất các cấp thẩm quyền xử lý nghiêm đối với các vi phạm, kể cả vi phạm pháp luật hình sự nếu có.

Song song với đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ đề xuất sớm sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định về hoạt động kinh doanh vàng, trong đó có nội dung về quản lý sản xuất vàng miếng để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đảm bảo bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý thị trường vàng, phù hợp với tình hình thực tiễn trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế trong việc quản lý thị trường vàng, đặc biệt là từ các quốc gia có môi trường kinh doanh, thể chế chính trị tương đồng.

Trước kiến nghị của cử chi về việc hiện nay, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp kinh doanh vàng là chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Vì vậy, cử tri kiến nghị cho phép doanh nghiệp tự kê khai lại hàng hóa tồn kho, theo một thời điểm mà Nhà nước quy định. Bảng kê khai này được coi là căn cứ xác định nguồn gốc số vàng hiện có. Sau thời điểm đó, mọi hàng hóa nhập vào, xuất ra, doanh nghiệp sẽ phải thực hiện đúng/đủ các quy định về quản lý liên quan, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm quy định và hướng dẫn thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Theo đó, khi thành lập, doanh nghiệp kinh doanh vàng chịu trách nhiệm kê khai về vốn khi thành lập theo quy định. Ngoài ra, Nghị định 24 quy định, doanh nghiệp kinh doanh vàng phải chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn chứng từ, do Bộ Tài chính hướng dẫn.

Quy định về kê khai vốn, lập, sử dụng hóa đơn chứng từ để chứng minh nguồn gốc vàng của doanh nghiệp nhằm mục tiêu tránh gian lận, hợp thức hóa nguồn vàng không chính thức. Do đó, các doanh nghiệp cần nghiêm túc thực hiện các quy định nói trên.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9875:2017- ISO 11426:2014 đồ trang sức- xác định hàm lượng vàng trong hợp kim vàng trang sức

Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tiêu chuẩn này đưa ra các phương pháp cupel hóa (hỏa luyện) để xác định vàng trong hợp kim vàng dùng làm đồ trang sức. Theo đó hàm lượng vàng thích hợp nhất là từ 333 phần nghìn (‰) đến 999 phần nghìn (‰). Phương pháp này được đặc biệt áp dụng cho hợp kim vàng có chứa bạc, đồng và kẽm. Một số thay đổi được đưa ra khi nickel và/hoặc paladi có trong thành phần hợp kim được gọi là vàng trắng cũng như đối với hợp kim có hàm lượng vàng từ 990 phần nghìn (‰) trở lên. Phương pháp này dùng làm phương pháp khuyến nghị để xác định tuổi trong hợp kim được nêu trong TCVN 10616 (ISO 9202).

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang