Phát hiện hơn 37 tấn thức ăn nuôi tôm giả nhãn hiệu: Cảnh báo nguy cơ hiện hữu

(VietQ.vn) - Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết vừa triệt phá cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi giả nhãn hiệu tại xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình, với quy mô lên tới hàng chục tấn sản phẩm sắp đưa ra thị trường. Đây là vụ việc nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người nuôi tôm và cả ngành thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Hơn 37 tấn thức ăn nuôi tôm giả
Cụ thể, lực lượng chức năng phối hợp với Công an xã Vĩnh Bình kiểm tra đột xuất và bắt quả tang ông Dương Văn Hòa (sinh năm 1949, ngụ tại ấp 19, xã Vĩnh Bình) đang tổ chức sản xuất thức ăn nuôi tôm giả nhãn hiệu. Tại hiện trường, công an phát hiện 35 bao đang đóng gói và 55 bao đã hoàn tất, tổng cộng khoảng 1,8 tấn. Kiểm tra tiếp kho chứa hàng, lực lượng chức năng thu giữ thêm 1.804 bao sản phẩm thành phẩm khác, nâng tổng khối lượng thức ăn giả bị tạm giữ lên hơn 37 tấn. Ngoài ra, nhiều máy móc, thiết bị và bao bì dùng để sản xuất, đóng gói cũng bị thu giữ.

Toàn bộ thức ăn nuôi tôm giả bị cơ quan chức năng thu giữ.
Làm việc với cơ quan điều tra, ông Hòa khai đã tự mua nguyên liệu, máy móc và giả mạo nhãn hiệu của một doanh nghiệp lớn chuyên cung cấp thức ăn cho tôm càng xanh, tôm sú và tôm thẻ. Toàn bộ số hàng hóa này được chuẩn bị để bán ra thị trường nhằm thu lợi bất chính.
Hiện, vụ việc đang được Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an Bạc Liêu tiếp tục điều tra, lấy mẫu kiểm nghiệm và xử lý theo quy định của pháp luật.
Thức ăn giả đe dọa sức khỏe tôm và uy tín thủy sản Việt Nam
Việc thức ăn nuôi tôm giả nhãn hiệu lọt ra thị trường là mối nguy lớn cho người nuôi và cả ngành thủy sản. Theo các chuyên gia, sản phẩm này thường không đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, có thể pha trộn tạp chất hoặc nguyên liệu kém chất, dẫn đến tôm chậm lớn, dễ mắc bệnh, thậm chí chết hàng loạt.
“Không chỉ thiệt hại về năng suất, người nuôi tôm còn đứng trước nguy cơ mất trắng nếu sử dụng phải sản phẩm giả. Nguy hiểm hơn, các chất cấm tồn dư trong thức ăn giả có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, khiến lô hàng bị trả về nếu phát hiện vi phạm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế", ông Nguyễn Văn Trường – chuyên gia nuôi trồng thủy sản nhận định.
Không những thế, hành vi làm giả còn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp chân chính, làm mất niềm tin của thị trường đối với sản phẩm Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu tôm đang là ngành mũi nhọn của nhiều địa phương miền Tây.
Tình trạng thức ăn chăn nuôi giả không còn là hiện tượng đơn lẻ mà đang có dấu hiệu lan rộng, nhất là tại các vùng nuôi trọng điểm như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng. Với quy mô vụ việc vừa bị phát hiện, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt tại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, không có giấy phép hoạt động rõ ràng.
Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách nhận biết sản phẩm chính hãng, sản phẩm giả, khuyến khích sử dụng hàng hóa có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần đầu tư vào tem chống giả, mã QR truy xuất nguồn gốc nhằm bảo vệ thương hiệu và hỗ trợ lực lượng chức năng dễ dàng phân biệt thật – giả. Vụ việc nói trên một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng hàng giả trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và sự cấp thiết của các biện pháp kiểm soát mạnh tay hơn trong thời gian tới.
An Nguyên