Quan chức về hưu tham gia DN: Luật không cấm cũng xin... "ngồi yên"!

author 12:33 26/09/2014

(VietQ.vn) - Nhiều ý kiến cho rằng quan chức về hưu tuyệt đối không nên tham gia vào điều hành, quản lý DN, mà nên tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội, góp sức cho nhân dân, cho đất nước

Trước sự việc Nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng tham gia ban lãnh đạo Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả - doanh nghiệp thuộc lĩnh vực mà bộ trưởng này từng có trách nhiệm quản lý chỉ sau 8 tháng về hưu, dư luận đặt câu hỏi liệu cựu quan chức này có vi phạm pháp luật?

Cựu Bộ trưởng Bộ GT-VT Hồ Nghĩa Dũng

Ông Hồ Nghĩa Dũng bị coi là vi phạm pháp luật khi…

Cụ thể, chế tài rõ nhất về nội dung trên là nghị định 102/2007/NĐ-CP quy định thời hạn không được kinh doanh trong lĩnh vực có trách nhiệm quản lý đối với những người là cán bộ, công chức sau khi thôi giữ chức vụ.

Theo Luật sư Nguyễn Hoàng Trung Hiếu: Căn cứ điểm c, khoản 2, Điều 4 và Khoản 2 Điều 5 của Nghị định102 thì ông Hồ Nghĩa Dũng và Công ty Cổ phần Đầu tư  Đèo Cả đã vi phạm quy định về thời hạn không được kinh doanh đối với người thôi giữ chức vụ thuộc lĩnh vực Giao thông vận tải.

“ Người thôi giữ chức vụ vi phạm các quy định tại Nghị định này thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, sẽ bị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Mức xử lý thế nào còn tùy thuộc vào mức độ của hành vi, hiện tại chúng ta chưa thể biết chính xác được”, luật sư Hiếu nhận định.

Tuy nhiên, khi trao đổi với báo chí, ông Hồ Nghĩa Dũng lại khẳng định rằng, tuy là Ủy viên Hội đồng quản trị của công ty Đèo Cả nhưng ông hoàn toàn không tham gia vào quá trình quản lý hay điều hành mà chỉ tham gia tư vấn cho hội đồng quản trị.

Về quan điểm này, luật sư Nguyễn Kiều Hưng phân tích: ông Hồ Nghĩa Dũng được xác định là người thôi giữ chức vụ trong lĩnh vực mình có trách nhiệm quản lý . Vì vậy, ông Dũng thuộc đối tượng và phạm vi điều chỉnh của NĐ 102. Theo quy định,  ông Dũng không được kinh doanh với thời hạn từ 12 – 18 tháng kể từ khi người thôi giữ chức vụ có quyết định của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết chế độ thôi việc.

“Như vậy, ông Dũng chỉ vi phạm, nếu xác định được chức danh “cố vấn” mà ông Dũng đảm trách trong thời gian này có quyền hạn điều hành, quản lý doanh nghiệp”, Luật sư Hưng cho biết.

Đừng làm sứt mẻ danh dự chính khách về hưu

Về ý kiến cho rằng, nếu ông Hồ Nghĩa Dũng không trực tiếp điều hành, quản lý doanh nghiệp mà chỉ tham gia cố vấn thì sẽ không vi phạm, ông Nguyễn Đình Hương, Nguyên Phó trưởng ban tổ chức Trung ương cho rằng, đó là do quy định pháp luật trong nghị định này còn chung chung, có cũng như không.

Dự án hầm Đèo Cả

Trong nghị định 102 của Chính phủ có đề cập đến nội dung “quy định thời hạn không được kinh doanh trong lĩnh vực có trách nhiệm quản lý đối với những người là cán bộ, công chức, viên chức sau khi thôi giữ chức vụ”, trong đó có một quy định là người thôi giữ chức vụ mà có vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm phải bị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

“Thế nhưng tôi tìm mãi không biết xử lý theo quy định của pháp luật nào. Tại sao không quy định chế tài cụ thể, chi tiết hơn nữa, bởi làm như vậy thì mới có sức răn đe” – ông Nguyễn Đình Hương nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Vũ Quốc Hùng – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận định: Cán bộ, lãnh đạo cấp cao khi đã nghỉ hưu thì tuyệt đối không nên tham gia vào điều hành, quản lý doanh nghiệp, mà nên tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội, góp sức cho nhân dân, cho đất nước.

“Tôi cũng không dám chắc Nguyên Bộ trưởng Hồ Nghĩa được những lợi lộc gì từ dự án và doanh nghiệp Đèo Cả này, tuy nhiên, việc làm của ông Dũng là không nên một chút nào. Thiết nghĩ, hãy nhìn vào trường hợp của ông Trần Xuân Giá để làm gương, đừng làm những việc làm sứt mẻ danh dự của người chính khách” – ông Vũ Quốc Hùng nhấn mạnh.

“Tôi tin không chỉ có trường hợp của ông Trần Xuân Giá ngày trước hay của ông Hồ Nghĩa Dũng bây giờ, mà vẫn còn rất nhiều những cán bộ, lãnh đạo về hưu tham gia tư vấn cho các doanh nghiệp, thậm chí là cả “tư vấn ngầm” mà không phải ai cũng biết” - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh.

Đối với những trường hợp này, ông Hùng cho rằng cần phải siết chặt các quy định của pháp luật, cần đưa ra các cơ chế, điều khoản rõ ràng, cụ thể chứ không thể đưa chung chung.

“Luật của chúng ta giờ còn sơ hở nhiều lắm, chưa có gì cụ thể cả, vì vậy, cần phải có những quy định chặt chẽ hơn. Khi đó không chỉ đảm bảo được tính nghiêm minh của pháp luật, mà còn đảm bảo danh dự, bảo vệ thân nhân, uy tín của những chính khách đã về hưu” – ông Hùng nhận định.

Sau thông tin về việc ông Hồ Nghĩa Dũng - nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT tham gia HĐQT công ty Công ty CP Đầu tư Đèo Cả là chưa phù hợp với quy định pháp luật, HĐQT công ty này đã thống nhất để ông Dũng thôi làm thành viên.

Lãnh đạo công ty  cho biết, sau khi rút lui khỏi cương vị Thành viên HĐQT độc lập Công ty, ông Dũng sẽ tiếp tục hỗ trợ dự án hầm Đèo Cả với cương vị cố vấn.

 

Hoàng Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang