Quảng Ninh đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện

author 15:13 04/11/2021

(VietQ.vn) - Tỉnh Quảng Ninh xác định chuyển đổi số toàn diện là một trong những đề án trọng điểm, với mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

Quảng Ninh đã và đang nỗ lực triển khai từng bước công cuộc chuyển đổi số toàn diện. Trong đó, xác định mục tiêu tổng quát về chuyển đổi số của tỉnh trên "3 trục", gồm: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Đề án chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì thực hiện. Với việc xác lập những mục tiêu rõ ràng, cụ thể, địa phương này đang ráo riết hoàn thiện đề án với hàng loạt hành động sát sườn.

 Chuyển đổi số toàn diện là bước đầu đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại vào năm 2030

Quảng Ninh được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương có mô hình kiến trúc chính quyền điện tử phù hợp với hướng dẫn của các bộ, ngành chuyên môn và sát với thực tế giai đoạn mới. Chính quyền điện tử Quảng Ninh với những thành phần nổi bật, như: Bộ thủ tục hành chính được hoàn thiện, chuẩn hóa ở cả 3 cấp; mô hình phòng họp không giấy tờ, thực hiện gửi, nhận tài liệu qua môi trường mạng; dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 và dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; văn bản điện tử có chữ ký số... đã và đang được quản trị và hoạt động ổn định, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác chỉ đạo điều hành từ cấp tỉnh đến cấp xã, đồng thời phục vụ, hỗ trợ tốt cho người dân, doanh nghiệp.

Tiếp nối những thành công bước đầu này, Quảng Ninh đặt mục tiêu chuyển đổi số toàn diện với 3 trục chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Thông qua việc tận dụng công nghệ một cách hiệu quả, Quảng Ninh mong muốn đẩy nhanh chuyển đổi số trong hệ thống chính trị, hướng đến quản trị dựa trên dữ liệu số, từ đó tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong phát triển kinh tế - xã hội.

Ước tính, sau hơn 5 năm áp dụng Chính quyền điện tử, người dân và doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Ninh đã giảm được trung bình hơn 40% thời gian làm thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí xã hội khoảng 70 tỷ đồng/năm.

Khi công nghệ đi sâu vào các ngành, địa phương và doanh nghiệp, khả năng cạnh tranh của tỉnh tăng cao, Quảng Ninh sẽ có nền tảng vững chắc để trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, hướng đến mục tiêu là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại vào năm 2030.

Nhưng trên tất cả, lãnh đạo tỉnh luôn xác định chuyển đổi số là để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Một Quảng Ninh văn minh, giàu mạnh sẽ là môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống với những giá trị thiết thực cho người dân.

Đến nay, những tiện ích nền tảng của thành phố thông minh đã thành hình và từng bước hoàn thiện, đem lại cho Quảng Ninh nhiều bước tiến mới trong tổng thể KT-XH. Trong đó, đáng chú ý nhất là mô hình Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Quảng Ninh - nơi được coi là "bộ não số" của mô hình thành phố thông minh. Trung tâm cho phép sử dụng thông tin và công nghệ phân tích, để chính quyền tỉnh đưa ra những quyết định kịp thời, giúp quản lý được đa dạng các vấn đề, bao gồm cả những vấn đề đã được dự liệu trước và những vấn đề xảy ra đột xuất, tình huống khẩn cấp.

Đồng thời, tăng tính tương tác ngược lại khi người dân có thể gửi ý kiến góp ý, thông báo cho các cơ quan trong tỉnh biết về các sự cố, vấn đề liên quan tới hạ tầng đô thị, giao thông, an ninh an toàn, môi trường... qua ứng dụng app Smart Quảng Ninh bằng vài thao tác đơn giản trên thiết bị di động. Cùng với đó là hàng loạt các tiện ích số trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm như: Y tế thông minh với mô hình 3 bệnh viện thông minh; giáo dục thông minh với 46 trường - 551 lớp học, phòng học tiên tiến, thông minh...

Ngoài ra, đề án xác định rõ việc ưu tiên tập trung nguồn lực triển khai chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, mang lại các giá trị mới, thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển KT-XH. Trong đó, các lĩnh vực tập trung chuyển đổi số sẽ gồm: Y tế, giáo dục, du lịch, giao thông vận tải, logistics, sản xuất công nghiệp, tài chính - ngân hàng, tài nguyên môi trường, năng lượng, nông nghiệp, báo chí truyền thông, an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Có thể thấy, Quảng Ninh đang từng bước triển khai xây dựng chính quyền số, xây dựng thành phố thông minh, công nghệ thông tin được ứng dụng để tăng cường minh bạch hóa, chịu trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cải thiện, nâng cao tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý, chất lượng, hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội.

Hoàng Dương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang