Sản xuất hydro có thể trở thành ngành công nghiệp nghìn tỷ đô trong tương lai

author 15:56 25/02/2022

(VietQ.vn) - Goldman Sachs đã dự báo thị trường sản xuất hydro có thể đạt giá trị hơn 1.000 tỷ USD vào năm 2050 so với mức khoảng 125 tỷ USD hiện nay.

Hydro (hydrogen, H2) là nguồn năng lượng thân thiện với môi trường bởi trong phân tử không có chứa bất kỳ nguyên tốt hóa học nào như carbon, lưu huỳnh hay nitơ. Hydro cũng là loại khí có nhiệt cháy cao nhất trong số các nhiên liệu trong thiên nhiên. Do đó, đây được xem là một nhiên liệu sạch lý tưởng.

Theo Goldman Sachs (một ngân hàng đầu tư đa quốc gia, tham gia vào các nghiệp vụ ngân hàng đầu tư, chứng khoán, quản lý đầu tư, và các dịch vụ tài chính khác với khách hàng chủ yếu là các tổ chức), hydro đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình hướng tới phát thải ròng bằng “0” của các quốc gia...

“Nếu muốn hướng tới phát thải ròng bằng 0, chúng ta không thể làm vậy nếu không có năng lượng tái tạo. Chúng ta cần một thứ gì đó có thể thay thế vai trò của khí tự nhiên, và đặc biệt có thể chống lại tính thời vụ cũng như sự gián đoạn. Đó chính là hydro", Michele DellaVigna, người đứng đầu bộ phận chứng khoán hàng hóa của Goldman Sachs tại khu vực Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi (EMEA) nhận định.

Theo ông DellaVigna, hydro là một loại khí mạnh, có thể sử dụng cho vận tải nặng, sưởi ấm và cả các ngành công nghiệp nặng. Trên thực tế, hydro đã được sử dụng làm nhiên liệu phóng tàu vũ trụ. “Điều quan trọng là quá trình tạo ra hydro không phát thải khí CO2 và đó là tại sao chúng ta nói về hydro ‘xanh’”, ông DellaVigna nói.

 Thị trường sản xuất hydro có thể đạt giá trị hơn 1.000 tỷ USD vào năm 2050 so với mức khoảng 125 tỷ USD hiện nay. Ảnh: CNBC

Hydro có thể được sản xuất theo nhiều cách, trong đó có phương pháp điện phân, sử dụng dòng điện để tách nước thành oxy và hydro. Nếu nguồn điện được dùng cho quá trình này lấy từ một nguồn năng lượng tái tạo như gió hoặc mặt trời, thì hydro tạo ra được gọi là hydro xanh (green hydro) – hay còn gọi là hydro tái tạo.

Trong khi đó, hydro lam (blue hydro) được dùng để chỉ hydro được sản xuất sử dụng khí tự nhiên – nhiên liệu hóa thạch – và có phát thải khí CO2 trong quá trình thu giữ và lưu trữ. Đã có những tranh luận gay gắt xung quanh vai trò của hydro lam trong quá trình tiến tới trung hóa carbon của các nước.

“Dù chúng ta tạo ra hydro bằng phương pháp thủy phân hay thu giữ carbon, chúng ta cũng cần sản xuất theo phương pháp sạch. Khi đó, chúng ta sẽ có một giải pháp mà theo tôi một ngày nào đó có thể chiếm tới 15% thị trường năng lượng toàn cầu – tức hơn 1.000 tỷ USD mỗi năm”, ông DellaVigna nói thêm. Theo ông, các nước nên tập trung vào hydro như một loại khí thay thế cho khí tự nhiên trong kỷ nguyên phát thải ròng bằng 0.

Trong báo cáo công bố đầu tháng này, Goldman Sachs đã dự báo thị trường sản xuất hydro có thể đạt giá trị hơn 1.000 tỷ USD vào năm 2050 so với mức khoảng 125 tỷ USD hiện nay. Dù tiềm năng của hydro ngày càng được đánh giá cao, phần lớn hoạt động sản xuất khí này hiện dựa vào nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, nhiều quốc gia, khu vực đang nỗ lực giải quyết vấn đề này.

Đơn cử, Ủy ban châu Âu (EC) đặt mục tiêu đạt công suất điện phân hydro tái tạo tại Liên minh châu Âu (EU) 40 GW vào năm 2030. Trong bài phỏng vấn với CNBC, khi được hỏi về việc các nhà đầu tư cổ phiếu có thể tìm kiếm cơ hội từ tăng trưởng thị trường hydro như thế nào, ông DellaVigna cho biết có 2 cách để đầu tư vào đây.

“Thứ nhất là mua cổ phiếu của các công ty sản xuất máy điện phân – đây là những doanh nghiệp có liên quan mật thiết tới hydro. Cách thứ hai là đầu tư vào các tập đoàn đã có hoạt động kinh doanh liên quan tới hydro. Đây là những công ty dịch vụ năng lượng, công ty khí công nghiệp, công ty dầu khí…”, ông nói.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang