Singapore thông qua luật mới nhằm tăng cường đảm bảo an ninh lương thực và an toàn thực phẩm

(VietQ.vn) - Quốc hội Singapore đã thông qua Đạo luật An toàn Thực phẩm và An ninh Lương thực (FSSA) nhằm hợp nhất và hiện đại hóa hệ thống pháp lý hiện hành liên quan đến an toàn thực phẩm.
Viettel đưa các giải pháp an ninh mạng tiên tiến gia nhập thị trường châu Âu
Chất lượng - ‘chìa khóa’ tạo lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp
Tranh cãi về chất lượng kẹo rau Kera: Một sản phẩm nhưng có 2 kết quả thử nghiệm khác nhau
Tranh cãi về chất lượng kẹo rau Kera: Một sản phẩm nhưng có 2 kết quả thử nghiệm khác nhau
Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, ngày 08/01/2025, Quốc hội Singapore đã thông qua FSSA với mục tiêu hợp nhất 8 đạo luật hiện hành, đồng bộ hóa các quy định về an ninh lương thực và an toàn thực phẩm, từ đó tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh, cũng như điều chỉnh hệ thống nông sản phù hợp với biến đổi khí hậu và xu hướng phát triển các loại thực phẩm mới, tạo điều kiện cho sự đổi mới công nghệ và nâng cao tính minh bạch trong chuỗi cung ứng.
Đảm bảo an ninh lương thực, an toàn thực phẩm là ưu tiên của quốc gia. (Ảnh minh họa)
Singapore - một quốc gia có diện tích hạn chế và phụ thuộc hơn 90% vào nhập khẩu thực phẩm, việc đảm bảo an ninh lương thực luôn được đặt lên hàng đầu nhằm duy trì sức khỏe cộng đồng và ổn định kinh tế.
FSSA được ban hành nhằm giải quyết những bất cập từ các đạo luật cũ, tạo ra khung pháp lý đồng nhất, rõ ràng và thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi của thị trường. Luật mới quy định các doanh nghiệp nhập khẩu và kinh doanh một số loại thực phẩm phải xin giấy phép từ Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA) theo hai cấp độ: cấp phép dành cho thương nhân buôn bán và cấp phép riêng cho từng lô hàng nhập khẩu, xuất khẩu hay trung chuyển nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn được thực hiện ngay từ khâu đầu tiên của chuỗi cung ứng.
Đồng thời, doanh nghiệp buộc phải lưu giữ hồ sơ chi tiết về thông tin nhà cung cấp, nhà sản xuất và mô tả hàng hóa để dễ dàng truy xuất nguồn gốc và tiến hành thu hồi sản phẩm nếu phát hiện có dấu hiệu không an toàn. Bên cạnh đó, FSSA yêu cầu tất cả doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm (không trực tiếp sản xuất) và doanh nghiệp kinh doanh thức ăn chăn nuôi phải xây dựng “Kế hoạch kiểm soát thực phẩm”.
Kế hoạch này bao gồm việc thiết lập các biện pháp đảm bảo vệ sinh lao động, bảo trì và vệ sinh cơ sở vật chất, trang thiết bị, đánh giá các mối nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình xử lý thực phẩm và đề ra biện pháp khắc phục kịp thời nhằm giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng.
Một điểm nổi bật khác của FSSA là việc ban hành danh mục “thực phẩm được xác định”, bao gồm thực phẩm mới, thực phẩm biến đổi gen và thực phẩm có nguồn gốc côn trùng, yêu cầu các sản phẩm thuộc danh mục này phải trải qua quy trình phê duyệt trước khi đưa ra thị trường. Quy trình này không chỉ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo mà còn giúp xây dựng lòng tin của người tiêu dùng thông qua sự minh bạch trong quản lý chất lượng sản phẩm.
Để đảm bảo tính răn đe của pháp luật, FSSA đã tăng mức hình phạt tối đa lên đến 50.000 đô la Singapore đối với hành vi vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm. Hơn nữa, những doanh nghiệp hoặc cá nhân đã bị thu hồi giấy phép do gian lận hoặc vi phạm lặp đi lặp lại sẽ bị cấm xin cấp giấy phép mới trong tối đa 3 năm, thay vì được phép nộp đơn xin cấp lại ngay sau khi bị kết án, nhằm đảm bảo rằng những hành vi vi phạm nghiêm trọng sẽ không tái diễn.
Luật FSSA được triển khai theo từng giai đoạn nhằm tạo thời gian thích nghi cho các doanh nghiệp. Cụ thể, các quy định liên quan đến “thực phẩm được xác định” dự kiến sẽ có hiệu lực từ cuối năm 2025, trong khi các điều khoản còn lại của luật sẽ được áp dụng đầy đủ và hoàn thiện vào năm 2028. Sự triển khai theo giai đoạn này cho phép doanh nghiệp điều chỉnh và nâng cấp hệ thống quản lý nội bộ, đồng thời tích hợp các giải pháp công nghệ mới như hệ thống truy xuất nguồn gốc dựa trên blockchain và các giải pháp số hóa nhằm tăng cường tính minh bạch và hiệu quả giám sát.
Việc áp dụng công nghệ hiện đại không chỉ giúp giảm thiểu sai sót trong quá trình lưu trữ và truy xuất thông tin mà còn nâng cao uy tín của ngành thực phẩm trong mắt người tiêu dùng quốc tế. Ngoài ra, luật FSSA còn được xem là bước tiến quan trọng trong chiến lược đa dạng hóa nguồn cung lương thực của Singapore.
Khi đối mặt với biến động về khí hậu, nguồn cung thực phẩm từ các quốc gia khác có thể bị ảnh hưởng, do đó việc xây dựng một hệ thống pháp lý nghiêm ngặt nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ giúp Singapore giảm thiểu rủi ro từ các sự cố bất ngờ trên trường quốc tế. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các quy định này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác và giao thương quốc tế, giúp Singapore duy trì vị thế là một trong những trung tâm kinh tế và thương mại hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Ông Cao Xuân Thắng - Tham tán thương mại kiêm Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore nhấn mạnh, luật FSSA không chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng mà còn tạo ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ông khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu kỹ các quy định mới, đầu tư vào công nghệ và đào tạo nhân sự chuyên sâu nhằm thích ứng với hệ thống quản lý mới, từ đó không chỉ bảo vệ uy tín thương hiệu mà còn tận dụng tối đa các cơ hội phát triển bền vững trên thị trường quốc tế.
Luật FSSA được đánh giá là bước tiến quan trọng trong việc nâng cao tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đồng thời khẳng định cam kết của Chính phủ Singapore trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và duy trì niềm tin của người tiêu dùng. Qua đó, doanh nghiệp, đặc biệt là đối tác đến từ Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt và ứng dụng các quy định mới nhằm không bỏ lỡ cơ hội mở rộng thị trường và phát triển bền vững trong tương lai.
Duy Trinh