Sống ở khu vực bị ô nhiễm hóa chất PFAS có nguy cơ mắc một số bệnh ung thư cao hơn tới 33%

(VietQ.vn) - Theo nghiên cứu mới nhất từ Mỹ cho thấy, hóa chất PFAS dù mang lại nhiều tiện ích cho con người tuy nhiên cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư cao, nhất là những nơi có nguồn nước bị ô nhiễm PFAS.
Đề xuất 8 nhóm sản phẩm bắt buộc áp dụng truy xuất nguồn gốc
Thúc đẩy mạnh mẽ ngoại giao khoa học và công nghệ trong kỷ nguyên mới
SeABank hoàn tất chuyển nhượng Công ty Tài chính PTF cho AEON Financial Service
Thức ăn và nước uống hiện nay là con đường chính để hóa chất PFAS xâm nhập
Từ lâu 'hóa chất vĩnh cửu' (PFAS) được bổ sung vào sản phẩm tiêu dùng như dụng cụ nấu ăn, chai đựng nước, do có khả năng chống dính, chống thấm và tăng độ bền. Tuy nhiên cũng do độ bền của chúng nên các hóa chất này tồn tại trong môi trường và trong cơ thể con người qua nhiều thập kỷ.
Bắt đầu được sử dụng từ những năm 1940, PFAS đã được bổ sung vào mọi thứ, từ dụng cụ nấu ăn chống dính đến bao bì thực phẩm như chai đựng nước, bọt chữa cháy và quần áo chống thấm. Theo thời gian, khi những sản phẩm này bị phân hủy, các hóa chất sẽ thấm vào đất, nước và cuối cùng là vào máu con người.
Một nghiên cứu mới phát hiện ra mối liên hệ giữa các hóa chất mang lại nhiều tiện ích nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ đáng lo ngại cho sức khỏe người dùng. Đó là các hóa chất vĩnh cửu (PFAS) và chúng có khả năng gây ung thư.
Theo nghiên cứu, những người sống ở khu vực bị ô nhiễm PFAS có nguy cơ mắc một số bệnh ung thư cao hơn tới 33%, bao gồm cả những bệnh ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, nội tiết, hô hấp, miệng và họng. Trong đó thức ăn và nước uống hiện nay là con đường chính để "hóa chất vĩnh cửu" xâm nhập vào cơ thể con người.
Từ năm 2016 đến 2021, ước tính nước uống nhiễm hóa chất vĩnh cửu đã góp phần gây ra 7.000 ca chẩn đoán ung thư hàng năm ở Mỹ. Bất chấp các bằng chứng khoa học, ngành công nghiệp dụng cụ nấu ăn vẫn đang cố chống lại các biện pháp cấm sử dụng PFAS.

Nước và thức ăn là 2 nguồn chính khiến "hóa chất vĩnh cửu" xâm nhập và tấn công con người. Ảnh minh họa
Một hóa chất vĩnh cửu được gọi là PFBS, chất thay thế cho PFOA, có liên quan đến sự gia tăng khủng khiếp của bệnh ung thư miệng và vòm họng. Mặc dù Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ cho rằng PFBS ít độc hại hơn PFOA nhưng nghiên cứu mới đây nhấn mạnh rằng cần phải tìm hiểu sâu hơn về tác động lâu dài của hóa chất này. Khả năng tàn phá mô người khiến các hóa chất vĩnh cửu trở nên đặc biệt nguy hiểm, ngay cả ở liều lượng thấp.
Nghiên cứu lưu ý rằng tổn thương do oxy hóa là một cơ chế tiềm ẩn rủi ro từ mối liên hệ giữa PFAS và bệnh ung thư ở những hệ thống quan trọng trong cơ thể như tuyến giáp, hệ nội tiết và cơ quan tiêu hóa. Bên cạnh đó, thận cũng đặc biệt dễ bị tổn thương. Vì thế, việc tiếp xúc với các hóa chất vĩnh cửu trong thời gian dài có thể gây ung thư.
Mặc dù nghiên cứu này chủ yếu là quan sát và ghi nhận, nhưng các nhà khoa học cho biết họ đã thu thập được nhiều bằng chứng rõ ràng, đủ để các cơ quan quản lý có hành động kiểm soát chặt chẽ hơn các hóa chất này.
Các nhà nghiên cứu hy vọng phát hiện nói trên sẽ góp phần cảnh tỉnh rằng PFAS không hề lành tính và việc giải quyết tác động của chúng đòi hỏi sự giám sát và quy định chặt chẽ hơn cùng với các cam kết tìm ra giải pháp thay thế an toàn hơn cho sức khỏe.
Cách hạn chế hiệu quả
Thực tế, chúng ta khó có thể tránh được “hóa chất vĩnh cửu” bởi chúng không được liệt kê cụ thể và không xác định được mức độ tồn tại của chúng. PFAS xuất hiện quá phổ biến trong môi trường sống xung quanh chúng ta, có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới. PFAS trong quần áo có thể xâm nhập cơ thể người qua một số con đường. Chúng dễ bay hơi nên có thể tách khỏi sản phẩm, sau đó lơ lửng trong không khí và bị hít vào phổi. Chúng cũng bám vào bụi hoặc hấp thụ qua da, đồng thời hiện diện ở nhiều nơi như trong nước, đất, không khí, thực phẩm, vật liệu trong nhà hoặc nơi làm việc.
Chính vì hóa chất vĩnh cửu không thể phân hủy và tồn tại cực kỳ lâu trong môi trường. Thời gian trở lại đây, Liên minh Châu Âu đã có sự xem xét và đưa ra những đề xuất việc cấm sử dụng các loại “hóa chất vĩnh cửu” trong sản xuất bởi những tác hại của nó. Một số nước cũng đã đưa ra tuyên bố về việc hợp tác để hoàn thiện đề xuất này, lệnh cấm PFAS thực sự rất cần thiết để giảm lượng PFAS hiện diện trong môi trường thời gian dài. Đồng thời, thúc đẩy sản xuất các sản phẩm và quy trình an toàn cho sức khỏe.
Nhận thức được những ảnh hưởng nghiêm trọng của “hóa chất vĩnh cửu”, các bác sĩ tại Bệnh viện Thu Cúc TCI đã đưa một số lời khuyên, hãy tránh sử dụng các sản phẩm có chứa PFAS. Để làm được điều này có thể kiểm tra nhãn hiệu và nhận biết thành phần polytetrafluoroethylene, PTFE, hoặc các thành phần “fluoro” khác và tránh mua những sản phẩm có thành phần này.
Nên tránh sử dụng các vật liệu bao gồm PFAS, chẳng hạn như: Chất chống dính, chất chống thấm nước. Thay vào đó có thể sử dụng các vật liệu như thép không gỉ, thủy tinh hoặc gốm sứ. Hạn chế sử dụng giấy gói thực phẩm, hộp nhựa xốp đựng đồ ăn nhanh hay màng bọc thực phẩm. Tránh các loại mỹ phẩm trang điểm, chăm sóc cơ thể được quảng cáo là “lì, thấm sâu và lâu trôi” vì chúng cũng chứa PFAS. Một cách khác để tránh tiếp xúc với PFAS là không uống nước khi chưa qua xử lý. Ngoài ra, hãy sử dụng các sản phẩm hữu cơ để giảm thiểu tiếp xúc với các chất độc hại.
An Dương (T/h)