Tận dụng ưu đãi từ các FTA: Rút ngắn khoảng cách từ cơ hội đến thực tiễn

author 06:54 18/01/2022

(VietQ.vn) - Các hiệp định thương mại tự do, nhất là các FTA thế hệ mới như EVFTA và CPTPP sẽ tiếp tục mở ra những ưu đãi về thuế quan, tạo động lực thu hút đầu tư để tăng năng lực sản xuất, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu trở nên chuyên nghiệp hơn trên trường quốc tế.

Theo thông tin từ Bộ Công thương, năm 2021, để có được giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 670 tỷ USD có đóng góp quan trọng của việc phát huy hiệu quả thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong bối cảnh dịch Covid-19, trong đó có FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, sau 3 năm Hiệp định CPTTP có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP tăng trưởng hết sức ấn tượng.

“Đối với khu vực của CPTPP, chúng ta thấy con số tăng trưởng trong thời gian vừa qua hết sức ấn tượng. Khác với khu vực EU - là thị trường đã có xuất khẩu tương đối truyền thống thì khu vực CPTPP đặc biệt là những nước phía châu Mỹ như thị trường Canada, Mexico, Peru là những thị trường tương đối mới và xuất khẩu của chúng ta trong thời gian vừa qua còn khiêm tốn, nhưng sau khi có Hiệp định CPTPP thì xuất khẩu của chúng ta sang các thị trường này đã tăng đáng kể. Điều này phản ánh việc các doanh nghiệp của chúng ta cũng dần dần nắm bắt và có thể tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” - ông Trần Thanh Hải nói.

Xuất khẩu tiếp tục được kỳ vọng là điểm sáng của nền kinh tế, đảm bảo việc làm cho người lao động và giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh minh họa.

Giới chuyên gia nhận định, các hiệp định thương mại tự do, nhất là các FTA thế hệ mới như EVFTA và CPTPP sẽ tiếp tục mở ra những ưu đãi về thuế quan, tạo động lực thu hút đầu tư để tăng năng lực sản xuất, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu trở nên chuyên nghiệp hơn trên trường quốc tế. Nhờ đó, xuất khẩu tiếp tục được kỳ vọng là điểm sáng của nền kinh tế, đảm bảo việc làm cho người lao động và giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội thì còn rất nhiều doanh nghiệp hiểu biết về hiệp định này vẫn còn rất khiêm tốn.

“Tôi nhìn thấy rất nhiều thách thức, không phủ nhận Bộ Công Thương và các hiệp hội tuyên truyền rất nhiều nhưng đây là thực tế - một cuộc điều tra vừa công bố năm 2021 về CPTPP: 69% doanh nghiệp nghe nói hoặc biết sơ bộ - có nghĩa là không có thông tin gì, 25% được đánh giá cao hơn các FTA khác - thì 25 % doanh nghiệp mới gọi là có hiểu biết nhất định. Từ cơ hội đến thực tiễn còn một quãng rất xa. Nhận thức như vậy đến hành động là thách thức” - ông Phan Đức Hiếu nêu ý kiến.

Với CPTPP, không chỉ khai thác lợi thế thị trường xuất nhập khẩu, tham gia CPTPP là tham gia vào một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, với các cam kết có tầm mức cao hơn và sâu hơn so với những hiệp định truyền thống chúng ta đã có, đòi hỏi Việt Nam phải cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật cho phù hợp với thông lệ quốc tế mà CPTPP đặt ra theo lộ trình.

Ngoài ra, để trụ được trên chính sân nhà, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa thông qua đầu tư đổi mới công nghệ, quản trị doanh nghiệp… Đây cũng vừa là thách thức, vừa là đòi hỏi, nhu cầu tự thân của thị trường và người tiêu dùng Việt Nam trong việc tiếp cận, tiêu dùng sản phẩm có giá cạnh tranh, có chất lượng cao hơn mà CPTPP mang đến.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:xuất khẩu, CPTPP

tin liên quan

video hot

Về đầu trang