Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam

author 05:36 21/05/2022

(VietQ.vn) - Dự án Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam chính thức được khởi động thông qua ứng dụng mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh theo chuỗi giá trị nông sản.

 

Ảnh minh hoạ 

Dự án Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Cục Đào tạo, Xúc tiến và Dịch vụ Thông tin về Lương thực, Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản - Bộ Nông nghiệp, thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc và đối tác phía Việt Nam là Trung tâm Tin học và Thống kê, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Mục tiêu của Dự án là cung cấp thực phẩm chất lượng cao và an toàn cho người tiêu dùng, tăng năng suất và thu nhập cho nông dân thông qua ứng dụng mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh theo chuỗi giá trị nông sản. Mục tiêu của dự án là phù hợp với Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng vừa mới phê duyệt.

Dự án sẽ thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn với các sản phẩm bao gồm 3 đối tượng cây trồng là: cà chua, ớt chuông và dâu tây và chuỗi sản xuất được thực hiện từ khâu sản xuất đến sơ chế và phân phối ra thị trường.

Dự án được triển khai tại Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa (PVFC) - Đà Lạt, Lâm Đồng và xử lý cở sở dữ liệu lớn tại Trung tâm Tin học và Thống kê. Kinh phí 3,5 tỷ Won, tương đương với hơn 2,8 triệu USD từ nguồn tài trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc. Thời gian thực hiện là 3 năm từ tháng 1/2022 đến tháng 12/2024.

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thông, dự án Thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn tại Việt Nam sẽ sớm tạo ra một mô hình sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch điển hình, có khả năng cạnh tranh cao, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho nông dân và là mô hình chuyển đổi số thành công trong lĩnh vực trồng trọt để nhân ra diện rộng.

Hiện nay, Việt Nam phát triển nông nghiệp thông qua cách mạng công nghiệp 4.0 đó là áp dụng những ứng dụng công nghệ thông tin (như IOT, Big data, Blockchains…) trong nông nghiệp có thể giúp bón phân cho cây trồng đúng thời điểm, đúng liều lượng, đúng quy cách… từ đó có thể tiết kiệm chi phí, dự báo chính xác cho mùa màng…, nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm. Tất cả đều được nằm trong giải pháp của nông nghiệp thông minh (smart-farm).

Mô hình sản xuất thông minh tập trung khắc phục những điểm hạn chế chính trong toàn bộ chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đưa nông sản trực tiếp đến người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu toàn cầu.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp Việt Nam nỗ lực tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu với nhiều sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu cao như cà-phê, hồ tiêu, thủy sản, hoa quả… Hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu đến hơn 100 nước trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu tăng qua các năm.

Việc sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu giúp cho một số loại nông sản của Việt Nam và một số chuỗi giá trị riêng biệt của doanh nghiệp đã tham gia được vào các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.  

 Tạ Nhị (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang