Thủ tục kiểm tra chuyên ngành dài tới 5 ngày, Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT đẩy mạnh cải cách

author 21:55 30/11/2017

(VietQ.vn) - Chiều 30/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng dẫn đầu đoàn kiểm tra làm việc tại Bộ GTVT về công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK.

Cắt giảm điều kiện kinh doanh theo thủ tục nhanh nhất

Ghi nhận những kết quả đạt được từ các giải pháp cải cách kiểm tra chuyên ngành, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng nhận định Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã triển khai sớm các giải pháp cải cách. Theo báo cáo, Bộ đã đưa 125 mặt hàng trong tổng số 160 mặt hàng thuộc phạm vi quản lý chuyển sang hậu kiểm; 107 mặt hàng áp dụng công nhận lẫn nhau của nước ngoài. Việc áp dụng công nghệ thông tin giúp giảm trung bình 70% thời gian và tài chính cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc với Bộ GTVT 

Cùng với đó, Bộ đã rà soát cắt giảm 46% các điều kiện đầu tư kinh doanh không phù hợp. Đây là những con số rất đáng hoan nghênh.

“Mỗi năm, các doanh nghiệp phải mất 30 triệu ngày công và 15.000 tỷ đồng cho việc kiểm tra chuyên ngành với 100.000 mặt hàng xuất nhập khẩu. Trong khi đó, tỷ lệ phát hiện sai phạm rất thấp, chỉ 0,06%, không thể chấp nhận được. Chưa kể nhiều cơ quan không ban hành được tiêu chuẩn, quy chuẩn mà kiểm tra bằng cảm quan, thủ công, tức là làm thủ tục để thu tiền thôi”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nêu thực trạng của công tác kiểm tra chuyên ngành nói chung.

Tổ trưởng Tổ công tác đặt vấn đề việc kiểm tra chuyên ngành của Bộ GTVT có thực trạng như trên không. Tuy thủ tục của Bộ không nhiều như một số bộ khác nhưng qua ý kiến của doanh nghiệp thì vẫn tồn tại một số vấn đề.

Ví dụ, hiện nay mặt hàng máy kéo nông nghiệp vẫn chịu sự quản lý chồng chéo giữa Bộ GTVT và Bộ NN&PTNT. Các mặt hàng cần cẩu tự hành, cần trục, cẩu trục, xe nâng… đang bị GTVT và Bộ Công Thương cùng kiểm tra, rất phức tạp. Tương tự là các mặt hàng như xe máy từ 175 phân khối trở lên.

“Theo chỉ đạo của Thủ tướng là 1 mặt hàng chỉ do 1 bộ chủ trì, vậy sắp tới sẽ thay đổi như thế nào? Tình trạng quy định không thống nhất đang gây khó khăn cho doanh nghiệp và cả hải quan”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ và đề nghị Bộ giải trình, báo cáo, đưa cam kết cụ thể.

Cùng với đó là các vấn đề liên quan tới điều kiện kinh doanh, nhập khẩu ô tô theo Nghị định 116 năm 2017; khung giá sàn dịch vụ cảng biển, triển khai cơ chế một cửa quốc gia…

Riêng với lĩnh vực cắt giảm điều kiện kinh doanh, Tổ công tác đề nghị Bộ tiến hành theo cách thức 1 nghị định sửa nhiều nghị định, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, mục tiêu là làm nhanh nhất, rút gọn nhất. Tương tự, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Tổ trưởng Tổ Công tác của Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT cải cách mạnh mẽ hơn nữa công tác kiểm tra chuyên ngành để giảm chi phí cho doanh nghiệp

Cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đánh giá cao trách nhiệm của Bộ GTVT trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, đạt nhiều kết quả. Việc giải trình cũng rất rõ ràng, cụ thể.

Trên cơ sở nội dung làm việc, Tổ công tác yêu cầu Bộ ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng giao một cách toàn diện, bảo đảm chất lượng, tạo chuyển biến trên các lĩnh vực.

Riêng với công tác kiểm tra chuyên ngành, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá cao sự chủ động của Bộ GTVT trong cải cách thủ tục, nhưng lưu ý rằng hiện Bộ vẫn kiểm tra 100% các mặt hàng thuộc diện quản lý, tức là chưa áp dụng quản lý rủi ro. Nhiều mặt hàng vẫn chưa áp dụng việc công nhận, thừa nhận kết quả kiểm tra của nước ngoài.

“Bộ có 11 thủ tục kiểm tra chuyên ngành, có những thủ tục dài tới 5 ngày, thêm 2 ngày nghỉ nữa là thành 7 ngày. Chưa kể trong thực tế, cán bộ kiểm tra lấy lý do này khác để yêu cầu bổ sung thêm hồ sơ, ví dụ “con dấu mờ quá, chữ ký mờ quá”, thế là thủ tục lại làm lại từ đầu. Cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hơn nữa”, Tổ trưởng Tổ công tác yêu cầu.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh, việc rà soát, cắt giảm thủ tục kiểm tra không có nghĩa là mở toang cửa cho hàng hóa nước ngoài tràn vào, nhưng phải thay đổi cách thức kiểm tra, quản lý để giảm chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời vẫn bảo đảm yêu cầu quản lý. 

Bộ KH&CN gây ấn tượng trong cải cách kiểm tra chuyên ngành(VietQ.vn) - Với việc bãi bỏ 114 loại hàng hóa, áp dụng cơ chế hậu kiểm đối với 91% nhóm hàng hóa, giảm 96% số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra trước thông quan. Các chuyên gia đánh giá, Bộ KH&CN đã gây ấn tượng trong cải cách kiểm tra chuyên ngành.

Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang